(Aquaculture.vn) – Hiện nay, mô hình nuôi cá lóc trong ao cát được coi là tối ưu nhất với lợi thế nguồn nước ngầm trong cát trong sạch, mát về mùa hè và ấm về mùa đông cho lứa cá khoẻ mạnh, lớn nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại cá lóc khác nhau như cá lóc bông, cá lóc đầu nhím, cá lóc môi trề… trong đó loài được nuôi phổ biến nhất là cá lóc đầu nhím. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon như cá lóc ngoài tự nhiên.
Một trong những mô hình nuôi cá lóc hiệu quả nhất hiện nay là nuôi thâm canh trong ao cát và ao lót bạt bởi nguồn nước ngầm trong ao cát luôn duy trì được nhiệt độ mát mẻ, trong sạch nên cá lóc khoẻ mạnh, lớn nhanh.
Ông Trần Kim Phi – Giám đốc HTX Dịch vụ Thuỷ sản Kim Phi chia sẻ về mô hình nuôi cá lóc đầu nhím trên cát tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.
Ưu điểm của mô hình nuôi trên cát
- Môi trường sống trong sạch.
- Nguồn nước ngầm trong cát có nhiệt độ nước mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông phù hợp với tập tính của cá.
- Hạn chế dịch bệnh.
- Chất lượng thịt ngon hơn.
Kỹ thuật nuôi
Chọn địa điểm
- Chọn những đồi đất đẹp, cát trắng, thấp, nước trong, mặt nước cách bờ cát khoảng 1m.
- Mặt nước sâu từ 1-1,5m, diện tích ao khoảng 500m2.
- Nhiệt độ nước thích hợp cho cá từ 20-23o
- Ao nuôi cá lóc hình chữ nhật là tối ưu, bởi thể tích nước được thể hiện rõ ràng, cá bơi thoáng và thuận tiện cho quản lý. Tuy nhiên, người nuôi có thể lựa chọn bể tròn hoặc bể vuông tuỳ theo điều kiện.
Đào và cải tạo ao
- Đối với ao cát: Theo phương pháp cải tạo ướt, tiến hành rửa ao 2-3 lần, sau đó vãi vôi khắp đáy ao, mé bờ ao và bờ ao.
- Đối với ao cũ: Sau vụ nuôi tiến hành thao cạn nước, vét bớt bùn đáy, san phẳng đáy ao và dọn sạch cây cỏ quanh ao, tu sửa đắp lại bờ ao chắc chắn.
Lượng vôi sử dụng: đối với ao thường (5-7kg vôi/100m2), ao ít chua (pH<7) 7-10kg vôi/100m2, ao chua nhiều (pH<6) 10-18kg vôi/100m2.
- Đối với ao lót bạt:
- Đối với ao cũ vừa tháo nước vừa vệ sinh, bơm nước trực tiếp vào để rửa lại, kiểm tra tu sửa lại các điểm bị hư hỏng, bón vôi bột và phơi đáy ao.
- Sau khi cải tạo ao, tiến hành cấp nước vào. Nếu sử dụng nguồn nước khe, cấp nước qua lưới lọc mịn để ngăn sinh vật tạp. Đối với nước ngầm nên lọc qua chứa hoặc để ổn định 2-3 ngày mới cấp nước vào ao nuôi. Cấp nước phù hợp với độ sâu của ao.
- Diệt khuẩn bằng thuốc tím KMnO4 với nồng độ 1-2ppm hoặc Iodine.
- Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi trước khi thả giống.
Chọn giống và thả giống
- Cá có kích thước đồng đều, khoẻ mạnh.
- Ương trong vòng 1 tháng sau đó sàng lọc cá, phân cỡ đồng đều.
- Mật độ thả khoảng 2 vạn con giống/500m2.
Chăm sóc và quản lý
Cá lóc là động vật ăn thịt, rất háu ăn nên thức ăn chủ yếu là cá tạp, tép, ốc, giun…Tuy nhiên trong điều kiện nuôi hiện nay có thể sử hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn.
Khẩu phần thức ăn trong ngày | |
Kích cỡ cá (g) | Khẩu phần ăn (% khối lượng cá) |
< 10 | 10-12 |
10-20 | 8-10 |
20-100 | 5-8 |
>100 | 5 |
Để duy trì chất lượng nước nuôi, tháng đầu thay 2-3 ngày/lần, bắt đầu từ tháng thứ 2 trở đi thay ngày/lần, mỗi lần thay khoảng 30% lượng nước trong hệ thống nuôi (hoặc tuỳ theo chất lượng nước trong ao).
Phòng bệnh
- Quản lý môi trường nước, đảm bảo chất lượng nước tốt .
- Diệt khuẩn định kỳ.
- Dùng muối hoà vào nước để sát khuẩn.
- Cá lóc rất khỏe, thường ít mắc bệnh nếu người nuôi quản lý tốt môi trường nước. Các bệnh thường gặp trên cá lóc như bệnh lở loét, gan thận mủ, ngoại ký sinh trùng, nội ký sinh trùng.
Thu hoạch
Tuỳ theo thời điểm và nhu cầu thị trường có thể thu tỉa hoặc thu hoạch toàn bộ. Sau 6-7 tháng nuôi, cá thương phẩm đạt 0,8-1 kg/con, giá bán trên thị trường khá cao 53.000-54.000 đồng/kg.
Sản lượng mỗi năm của toàn xã Ngư Thủy Bắc đạt khoảng 2.500 tấn cá, mang về cho xã nguồn thu khoảng 250 tỉ đồng, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, làm giàu.
Thu Hiền (Tổng hợp)