Thứ Ba, 14/03/2023, 11:00

Quy trình nuôi biển cá chim vây vàng quy mô công nghiệp

(Aquaculture.vn) – Nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trên biển mang lại hiêu quả kinh tế cao với lợi nhuận thu được từ 10-20% tùy theo thị trường từng năm. Đây được coi là giống thủy sản có chất lượng hàng đầu Việt Nam được áp dụng trong công nghệ tiến tiến trên thế giới.

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi

Cá chim vây vàng là loài cá biển phân bố tại các vùng ven bờ có nền đất cát, rong cỏ biển, rạn đá, san hô… có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh có thể đạt kích cỡ thương phẩm 0,6-0,8 kg/con sau 8-10 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp.

Đồng thời chúng cũng rất ít bị dịch bệnh, có thể nuôi cá chim vây vàng với mật độ cao trong lồng nước mặn và là đối tượng phù hợp cho nuôi biển quy mô công nghiệp ở thời điểm hiện tại

Quy trình nuôi và chăm sóc cá chim vây vàng

· Chuẩn bị lồng lưới, kích cỡ mắt lưới và thể tích lồng lưới phù hợp với kích cỡ và mật độ giống thả nuôi, túi lưới có độ sâu 5-15m, đáy lưới cách đáy biển tối thiểu 5m khi triều thấp

· Cá giống: mùa vụ thả giống từ T2-T5 hàng năm (chỉ thả cá giống đã sử dụng được thức ăn công nghiệp). Kiểm tra tỷ lệ dị hình (hở mang, khuyết lưng, cong thân..) > 5% không nên sử dụng lô con giống. Kích cỡ giống thả khoảng 2,5cm tương đương khoảng 30 ngày tuổi.

· Vận chuyển và thả giống: Khử trùng toàn bộ thùng vận chuyển cá giống trong 24h trước khi vận chuyển. Nước dùng để vận chuyển cá giống có độ mặn và nhiệt độ tương đồng với nước trong bể ươm. Duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong nước vận chuyển cá ở mức 6-7mg/l hoặc 80-100% oxy bão hòa. Không cho cá giống ăn 12h trước khi vận chuyển. Đảm bảo cá vận chuyển được thả xuống lồng nuôi thương phẩm trước 10h sáng để tránh thời tiết nắng nóng và sóng gió lớn. Khi thả cá nếu nhiệt độ và độ mặn của nước trong thùng vận chuyển chênh lệch >10% so với nước trong lồng thả nuôi thi fphair thuần hóa cho cá giống dần thích nghi ít nhất 1h.

· Cho cá ăn: Cho ăn bằng tay (cá <100g), cho ăn bằng máy phun (cá >100g), đảm bảo thức ăn được rải đều quanh lồng, lưu ý dòng chảy của nước để tránh thức ăn bị trôi ra khỏi lồng, quan sát khả năng bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ bổ sung VTM C và dầu mực vào thức ăn cho cá (1 tháng/lần). Dừng cho cá ăn: trước khi tắm cho cá, trước khi lọc, tách, đo đếm cá, trước khi thu hoạch 24h.

Phòng bệnh

· Đảm bảo an toàn sinh học để cá phát triển trong môi trường nuôi tốt nhất

· Giai đoạn cá giống – giai đoạn <200g cá thường dễ nhiễm bệnh nhất

· Giữ lồng lưới sạch sẽ đảm bảo sự trao đổi nước trong và ngoài lồng tốt nhất

· Theo dõi hoạt động cá hàng ngày

Xử lý và trị bệnh

· Dừng cho ăn khi lượng cá chết bất thường, cá có biểu hiện bất thường, cá bị lở loét, màu sắc bất thường, cá giảm ăn

· Kiểm tra chất lượng nước: nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng oxy hòa tan, mật độ tảo trong nước, tốc độ dòng chảy, độ trong ở các vị trí đầu và cuối dòng chảy

· Kiểm tra thức ăn

· Thu gom toàn bộ cá chết

· Bổ sung dầu mực (có vai trò giữ thuốc không tan ra nước) và vitamin C với liều lượng 10ml và 100mg/1kg thức ăn

· Nếu cá bị nhiễm KST Benedenia : Tiến hành tắm cá trong nước ngọt 5 phút có sục khí hoặc tắm trong nước biển pha fomalin với liều lượng 80 ppm trong 2 giờ liên tục trong 3-4 ngày để cắt vòng đời KST, sau 7 ngày tắm lặp lại lần 2. Hoặc có thể trộn praziquantel/fenbendazole vào thức ăn cho cá.

Thu hoạch

· Sau 8-10 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 500-700g/con

· Cá thu hoạch được bảo quản trong thùng nhựa cách nhiệt có thể tích 1m3

· Bảo quản ngay trong đá lạnh, đảm bảo nhiệt độ cơ thể cá trong quá trình di chuyển 1-2oC

· Cá có thị trường tiêu thụ rộng cả trong và ngoài nước với giá 120-140.000/kg.

Thu Hiền (Biên tập)