Chủ Nhật, 4/09/2022, 10:55

Thắng lớn với nuôi tôm khép kín

(Aquaculture.vn) – Với cách đầu tư quy mô lớn, bài bản trong mọi công đoạn, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng khép kín của Nam An Farm (thôn Hòa Bình, Tam Hòa, Núi Thành, Quảng Nam) thu được hiệu quả kinh tế cao.

Nam An Farm nuôi cá măng ở ao cuối cùng trong 4 ao xử lý nước thải

Đầu tư bài bản

Nam An Farm do ông Huỳnh Tấn Đạo làm giám đốc điều hành, ông Lương Quang Lý làm giám đốc kỹ thuật. Năm 2020, ông Đạo thuê đất của người dân, tích tụ, tập trung ruộng đất với diện tích hơn 10ha, đầu tư hạ tầng kiên cố, bố trí 9 ao ương nuôi tôm giống, 22 ao nuôi tôm thương phẩm, 5 kênh cấp thoát nước, 11 ao chứa lắng và 4 ao xử lý nước thải để nuôi tôm tuần hoàn khép kín.

Quá trình nuôi tôm của Nam An Farm bắt đầu từ năm 2021. Con giống chất lượng được Nam An Farm mua về, ương nuôi với mật độ 4.000 con/m2, sau 1 tháng chuyển sang nuôi giai đoạn 2 với mật độ 500 con/m2, sau đó 1 tháng tiếp tục chuyển sang nuôi tôm thương phẩm với mật độ 250 con/m2. Cứ đều đặn 3 tháng nuôi, tôm thương phẩm được xuất bán.

“Chúng tôi nuôi tôm gối đầu nên luôn có tôm bán ra thị trường. Tôm nuôi khép kín đạt cỡ lớn, chỉ chừng 20 con/kg nên bán giá cao. Tôm đáp ứng truy xuất nguồn gốc, các quy định an toàn thực phẩm quốc tế nên thu được giá trị cao”, ông Đạo nói.

Ấn tượng khi tham quan Nam An Farm là các dãy trại nuôi tôm liền mạch, khép kín nhưng trong đó, khu vực kênh xử lý nước, ao lắng, ao ương, ao nuôi thương phẩm… cách biệt để tiện xử lý. Ông Lương Quang Lý cho biết, nguồn nước lấy từ sông Trường Giang được xử lý bằng thuốc tím, sau đó tiếp tục xử lý bằng Chlorine, lắng lọc sạch qua các ao rồi mới đưa vào các ao nuôi thương phẩm. Công nghệ nuôi tôm đang áp dụng là Biofloc kết hợp. Các yếu tố vi sinh, tảo, chế phẩm sinh học được “nuôi” cung cấp vào ao để xử lý sạch nguồn nước, tránh bẩn trong suốt quá trình nuôi tôm. Bởi vậy, Nam An Farm hầu như không thay nước trong suốt quá trình nuôi 1 tháng ở mỗi giai đoạn.

Để tránh tác hại của thời tiết và ngăn xâm nhập bệnh từ bên ngoài, ông Lý bố trí giàn lưới che chắn ở mỗi ao nuôi tôm. Hơn 30 công nhân nuôi tôm phải sát khuẩn, mặc trang phục bảo hộ trong suốt quá trình chăm sóc tôm nuôi. Ngoài bố trí hệ thống sục khí tầng đáy, ông Lý còn bố trí các hệ thống cung cấp ô xy để đảm bảo nuôi tôm thâm canh mật độ cao. “Nhờ nuôi tôm tuần hoàn khép kín nên chúng tôi giảm chi phí đầu vào. Các vụ nuôi đều thành công, tôm chưa hề mắc bệnh hay chậm lớn”, ông Lý nói.

Nước được xử lý qua nhiều công đoạn trước khi cho vào ao nuôi tôm.

Hướng nuôi bền vững

Nhiều người đã ngạc nhiên với nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng mà Nam An Farm đã đầu tư nuôi tôm. Trong đó, hơn 10 tỷ đồng dành riêng cho xử lý nước trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Trong 4 ao xử lý nước thải, ông Huỳnh Tấn Đạo nuôi cá măng thương phẩm ở ao cuối cùng khi nước đã sạch trong.

“Chúng tôi nuôi tôm bền vững như cam kết với chính quyền, ngành nông nghiệp nên xử lý sạch chất thải, nước thải, không tác động xấu đến môi trường. Bảo vệ môi trường bên ngoài cũng chính là bảo vệ quá trình nuôi tôm của chúng tôi, ngăn chặn mầm bệnh từ ngoài vào bên trong khu vực nuôi tôm”, ông Đạo nói.

Theo ông Lương Quang Lý, để thành công trong nuôi tôm, ngoài hạ tầng đầu tư kiên cố, con giống sạch, quy trình nuôi chuẩn, không thể không nhắc đến các yếu tố thức ăn và quản lý nguồn nước.

Về thức ăn, Nam An Farm liên kết với các nhà phân phối thức ăn nuôi tôm uy tín như C.P. Mặc dù có nhiều công nhân phục vụ nuôi tôm nhưng chính ông Lý luôn túc trực ở các ao nuôi, quản lý tốt các yếu tố độ kiềm, pH trong ao nuôi, kích thích quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm thương phẩm. Với cách đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng khoa học, Nam An Farm có doanh thu hơn 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng/năm.

Việt Nguyễn