Thứ Sáu, 2/04/2021, 22:33

Thách thức của việc nuôi thành công Artemia Nauplii làm thức ăn cho ấu trùng tôm

Ngay từ khi bắt đầu nuôi tôm, Artemia đã được công nhận là thức ăn dinh dưỡng tốt cho ấu trùng tôm và cá nhỏ. Artemia được sấy khô có thể bảo quản được lâu nên rất thuận tiện cho người chăn nuôi. Kể từ đầu những năm 1980, các trại sản xuất tôm giống đã sử dụng nang Artemia sấy khô làm thức ăn cho ấu trùng tôm.

Thách thức và lưu ý khi sản xuất Artemia Nauplii từ trứng khô

Sản xuất Artemia Nauplii từ trứng khô nghe có vẻ dễ dàng, nhưng cũng có một số những thách thức như sau:

1, Cần lượng trứng Artemia có chất lượng tốt (Tăng tỷ lệ nở)

2, Cần môi trường nước biển sạch ở nhiệt độ thích hợp

3, Cần có đủ lượng ánh sáng

4, Cần cung cấp đủ oxy

5, Thu hoạch đúng thời điểm để thu được lượng nhiều nhất của Instar 1

6, Tách Artemia Nauplli sống khỏi vỏ và các tạp chất

7, Loại bỏ các Artemia hỏng bởi chúng sẽ là chất nền cho vi khuẩn phát triển

8, Kiểm soát tốt lượng vi khuẩn trong toàn bộ quá trình

9, Dự trữ nguồn Artemia

10, Sản lượng ấp có thể rất khác so với công bố trên bao bì trứng khô

11, Cần có các thiết bị phòng thí nghiệm để kiểm tra các giai đoạn Artemia, kiểm soát Vibrio và các virus khác.

Những mối quan tâm của trang trại giống tôm về Artemia:

  • Liệu lượng Artemia sản xuất có đủ cung cấp mỗi ngày?
  • Liệu những Artemia có bị nhiễm Vibrio?
  • Làm sao để tách vỏ nang mà không làm hỏng Artemia Nauplii?
  • Làm sao để kiểm soát được số lượng Artemia Nauplii cung cấp cho từng bể tôm?
  • Nên sử dụng thương hiệu nào?

Hiện trên thị trường có trên 100 thương hiệu nang Artemia Nauplii được chào bán.

Tất cả những băn khoăn này đều có thể dẫn đến sự thất vọng cho những chủ trang trại tôm khi mà điều họ quan tâm và cần làm là chú trọng việc nuôi tôm hơn là dành thời gian cho việc ấp nang Artemia Nauplii. Một điều đáng lo ngại nữa là họ chưa thể kiểm soát được những hậu quả sẽ xảy đến nến Artemia Nauplii nuôi bị nhiễm khuẩn.

Để bớt phụ thuộc vào Artemia, nhiều dự án R&D đã được thành lập với mục tiêu đạt được sản phẩm thay thế Artemia đó. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, nhưng cho kết quả không mấy khả quan. Tỷ lệ thay thế Artemia càng cao thì tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của động vật thủy sản càng thấp.

Với việc thiếu các giải pháp thay thế, nhu cầu về nang Artemia vẫn ở mức cao nhưng tập trung vào loại nang Artemia cao cấp, dễ nở. Với ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, nhu cầu về Artemia ngày càng tăng. Điều quan trọng là trại nuôi cần lương Artemia có sẵn để sử dụng. Khi ngành công nghiệp tôm nhanh chóng phát triển sang sản xuất chuyên nghiệp và có kiểm soát hơn – từ khâu giống đến tôm thương phẩm – ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi có nhiệm vụ duy trì tốc độ kịp thời để đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu thông qua cải tiến công thức thức ăn, phát triển chế phẩm sinh học và nhận thức về môi trường hơn về tác động của thức ăn cho tôm, nhưng với lĩnh vực Artemia vẫn chưa có nhiều đột phá mới mẻ và không được cải thiện nhiều. Một số nỗ lực đã được thực hiện để cải thiện công nghệ tách, nhưng đây chỉ là một bước nhỏ trong quy trình ấp nở Artemia tổng thể. Cho đến nay, giải pháp tốt nhất mà ngành sản xuất Artemia có thể đưa ra là cung cấp các nang Artemia khô được đựng thành từng hộp nhỏ, nhưng điều này không lý tưởng cho các trại sản xuất giống bởi họ sẽ mất thêm công đoạn ấp nở khá phức tạp.

Cơ hội làm giàu từ nuôi Artemia

Artemia là loài bào xác nhỏ bé du nhập vào Việt Nam năm 1986 được thuần hóa và đưa vào sản xuất thương mại năm 1990. Mỗi năm, thị trường Việt Nam cần khoảng 130 tỷ con tôm giống với hơn 1.250 doanh nghiệp, cơ sở ươm nuôi, cung ứng tôm giống. Có thể nói, nhu cầu về trứng Artemia là rất lớn. Hiện, Artemia sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, mỗi năm các doanh nghiệp phải nhập tới 160 tấn trứng Artemia cho sản xuất tôm giống. Trứng Artemia của Việt Nam chỉ tiêu thụ phần nhỏ trong nước, chủ yếu được xuất sang các nước Mỹ, Nhật, Nga, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, EU…

Tại Việt Nam, nuôi Artemia không phải là mô hình mới mà đã được một số nông dân Bạc Liêu áp dụng từ năm 2000. Trên thực tế, mô hình nuôi Artemia đã cứu cánh cho nhiều hộ nuôi tôm bị thất bại và phát huy có hiệu quả các lợi thế vốn có, nhất là các cánh đồng sản xuất muối.

Hiện, cả nước mới chỉ có 2 tỉnh ở khu vực ĐBSCL sản xuất Artemia là Bạc Liêu và Sóc Trăng. Năm 2018, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 146ha nuôi Artemia. Trong đó, Hợp tác xã Thuận Thành (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) có 63ha; xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) có hơn 43ha… Vụ nuôi Artemia năm 2018, năng suất trứng đạt từ 60 – 100kg/ha; cá biệt có một số diện tích nuôi ở xã Vĩnh Trạch Đông năng suất đạt 130kg/ha. Với giá 1,1 triệu đồng/kg trứng Artemia tươi, sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi từ 40 – 80 triệu đồng/ha.

Sóc Trăng có 570 ha nuôi Artemia theo mô hình hợp tác xã khép kín ở thị xã Vĩnh Châu. Trong đó, 3 hợp tác xã chuyên sản xuất, 1 hợp tác xã đảm nhận kỹ thuật và làm dịch vụ cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm. Mỗi ha nuôi Artemia cho sản lượng 100 – 150 kg/vụ. Trứng Artemia có thể sấy khô, đóng hộp rồi tiêu thụ. Giá trứng tươi tại ruộng 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg, trứng khô giá 4,5 – 5,5 triệu đồng/kg.

Theo tiến sĩ Nguyễn văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Thủy sản, Khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ), Artemia sống thích hợp trên vùng đất làm muối ven biển phía Nam. Địa phương thích hợp cho việc sinh sống của loại bào xác này là huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), TX Bạc Liêu và xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Trên thế giới, rất ít nước nuôi được Artemia. Tại Hoa Kỳ người ta khai thác tự nhiên, theo mùa nên số lượng hạn chế và độ đạm của trứng Artemia không cao bằng Việt Nam. Có thể khẳng định độ đạm trứng Artemia của ta cao gấp nhiều lần so với trứng Artemia của Hoa Kỳ.

 

Minh Tú

Giá trị dinh dưỡng của Artemia

Artemia là một loại ấu trùng mới nở, có dinh dưỡng rất cao, giàu đạm, giàu axit amin, axit béo thiết yếu, các vitamin, khoáng rất tốt cho giai đoạn sinh sản và tạo sắc tố. Vì vậy, chúng rất được ưa chuộng trong các trại sản xuất giống thủy sản nói chung và sản xuất tôm giống nói riêng. Mặt khác, Artemia có thể được dùng “làm vật nhồi sinh học”; nghĩa là thông qua Artemia người ta có thể đưa vào cơ thể vật nuôi các chất dinh dưỡng, các hoạt chất mong muốn thông qua Artemia (bằng cách ngâm hoặc cho ăn), sau đó cho vật nuôi (tôm, cá) ăn Artemia đã được qua xử lý.