Tình trạng mua bán, vận chuyển tôm giống kém chất lượng còn xảy ra, cần được quản lý, kiểm soát chặt hơn nữa.
Theo Tổng Cục Thủy sản, năm 2020 diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt 738.000 ha, nhu cầu giống khoảng 130 tỉ con, trong đó 100 tỉ giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỉ giống tôm sú. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con. Nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống từ tự nhiên, nhập khẩu và chọn tạo trong nước.
Cả nước hiện có trên 2.200 cơ sở sản xuất tôm giống, đáp ứng tương đương nhu cầu nuôi tôm trong nước. Trong khi ĐBSCL có vùng nuôi tôm tập trung trên 680.000 ha, chiếm 92% diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước thì khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận).
Hàng năm, tôm giống từ khu vực này được sản xuất, cung cấp khoảng 56% số lượng tôm giống nước lợ cho nhu cầu nuôi cả nước. Số còn lại được sản xuất từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh và gần đây có sự dịch chuyển sản xuất tôm giống vào các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Hiện phần lớn các cơ sở tôm giống các tỉnh Nam Trung Bộ vận chuyển Nauplius hoặc Postlava cỡ nhỏ đưa về một số vùng nuôi để ương thành tôm giống giúp giảm giá thành, thích nghi với môi trường, sức khỏe tôm giống tốt hơn.
Song, điều lo lắng nhất là vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung Bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Một số cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản… Đó là một trong những nguyên nhân con giống kém chất lượng lén lút tuồn ra thị trường, gây guy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong năm qua, đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra đột xuất giống thủy sản tại một số địa phương đã phát hiện xử phạt hành chính 11 cơ sở sản xuất giống thủy sản chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sử dụng tôm bố mẹ không có nguồn gốc, xử phạt 28 phương tiện vận chuyển và tiêu hủy số tôm giống về vùng nuôi không có giấy kiểm dịch.
Nguồn: Ngông Nghiệp