Thứ Tư, 27/09/2023, 13:30

Nuôi tôm thiếu vốn chuyển đổi mô hình nuôi hiện đại

Nhiều người nuôi tôm nước lợ nỗ lực chuyển đổi mô hình nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: mrmati

Nhiều người nuôi tôm nước lợ nỗ lực chuyển đổi mô hình, tuy nhiên, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thực tế ở tỉnh Sóc Trăng có nhiều diện tích nuôi tôm lót bạt tuần hoàn và cũng hy vọng thời gian tới khó khăn phần nào được giải quyết khi tín hiệu mới đang mở ra.

Nhiều người nuôi tôm nước lợ nỗ lực chuyển đổi mô hình nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: mrmati
Nhiều người nuôi tôm nước lợ nỗ lực chuyển đổi mô hình nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: mrmati

Kiến nghị vốn tín dụng cho nuôi tôm

Số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh thả nuôi 43.762 ha (tôm thẻ 32.693 ha, tôm sú 11.069 ha), đạt 85,8% kế hoạch và bằng 88,1% cùng kỳ. Diện tích đã thu hoạch 24.111,1 ha, sản lượng 112.802,8 tấn (tôm thẻ 105.638,4 tấn, tôm sú 7.164,4 tấn), giảm 5,7% so với sản lượng cùng kỳ. Ngoài 1.731,9 ha bị thiệt hại, hiện tôm trên đồng còn 17.919 ha (tôm thẻ 11.143,9 ha, tôm sú 6.775,1 ha) hứa hẹn cho thu hoạch khá.

Toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha nuôi tôm lót bạt tuần hoàn nhiều giai đoạn, ứng dụng các thiết bị, máy móc liên quan đến công nghệ cao đã được người dân áp dụng. Gồm có máy cho ăn tự động kết nối với bộ điều khiển giờ cho ăn và kiểm soát lượng thức ăn; máy quan trắc môi trường nước tự động, sang tôm tự động, điện năng lượng mặt trời phục vụ nuôi.

Người nuôi vượt nhiều khó khăn nỗ lực chuyển đổi mô hình sang nuôi hiện đại. Ảnh: Tép Bạc
Người nuôi vượt nhiều khó khăn nỗ lực chuyển đổi mô hình sang nuôi hiện đại. Ảnh: Tép Bạc

Đánh giá của Sở NN&PTNT, vụ nuôi tôm nước lợ năm nay tiến độ thả chậm hơn 8% so với năm 2022, do giá tôm nguyên liệu liên tục giảm và độ mặn trên các tuyến sông đến khá trễ. Người nuôi vượt nhiều khó khăn để đảm bảo vụ tôm, nhất là nỗ lực chuyển đổi mô hình sang nuôi hiện đại.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình đang gặp khó khăn lớn là người nuôi khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để cải tạo, đầu tư chuyển đổi. Bởi hầu hết các hộ nuôi tôm nhỏ, lẻ không còn tài sản thế chấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp ngân hàng, cũng như hạn mức cho vay còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu mô hình sản xuất.

Trong khi việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, phần lớn người nuôi tôm với quy mô nhỏ lẻ, không đủ sản lượng để được doanh nghiệp mua tại ao, nên phải bán tôm thông qua thương lái.

Kế hoạch của Sóc Trăng, phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra: Nuôi tôm nước lợ 51.000 ha (tôm sú 12.000 ha, tôm thẻ chân trắng 39.000 ha). Sản lượng đạt 206.700 tấn (tôm sú 22.200 tấn, tôm thẻ chân trắng 184.500 tấn).

Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét và đề nghị Chính phủ có ý kiến tái cấu trúc nguồn vốn vay ngân hàng để hỗ trợ cho nghề nuôi tôm nước lợ. Trong đó, đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nuôi tôm thông qua liên kết chuỗi để giải quyết một phần khó khăn trước mắt, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Nuôi tôm tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Phan Thanh Cường (Bạc Liêu)
Nuôi tôm tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Phan Thanh Cường (Bạc Liêu)

Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nuôi tôm thúc đẩy, duy trì mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ số, để vừa tạo ra sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu vừa đảm bảo tốt công tác bảo vệ môi trường.

Tín hiệu từ ngân hàng

Kiến nghị của tỉnh Sóc Trăng cũng là của các địa phương đang phát triển nuôi tôm nước lợ và mới đây đã có tín hiệu đáng mừng. Ngày 15/9/2023, tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL cho biết, tín dụng dự báo tăng nhanh những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ, xuất khẩu cải thiện.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ: Khách hàng được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với ngành thủy sản đã tăng trưởng ấn tượng, đến hết tháng 8, dư nợ đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022 (chủ yếu đối với mặt hàng cá tra và tôm).

Tại Agribank, tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ lĩnh vực thủy sản là 67.000 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ so với đầu năm 2023. Ở BIDV cũng tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ lĩnh vực thủy sản đạt 960 tỷ đồng. Các ngân hàng cam kết đẩy mạnh cho vay thủy sản những tháng cuối năm.

Sáu Nghệ
Nguồn: tepbac.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *