Người dân ít chú trọng đến việc xử lý nước thải nuôi tôm là nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm cho môi trường nuôi cũng như môi trường xung quanh.
Quảng Nam nằm ở vùng ven biển miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Có không ít hộ gia đình ở các huyện ven biển vươn lên khấm khá từ nghề này. Tính đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm của toàn tỉnh khoảng 3.000ha.
Mỗi năm, sản lượng thủy sản từ nuôi trồng của tỉnh Quảng Nam đạt từ 22.000 – 25.000 tấn. Trong đó sản lượng tôm chiếm chủ yếu (từ 15.000-16.000 tấn). Giá trị hàng năm nuôi trồng thủy sản đạt từ 1.600 – 1.800 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc ồ ạt phát triển diện tích nuôi nhưng không chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường đã khiến cho nhiều ao nuôi tôm chết hàng loạt. Các chủ hộ thiệt hại từ vài trăm đến cả tỷ đồng tiền đầu tư.
Vụ tôm đầu năm 2021, nhiều hộ gia đình nuôi tôm ở huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ vô cùng lo lắng khi chứng kiến tôm nuôi của gia đình mình có hiện tượng chết hàng loạt. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến nay, diện tích ao hồ có tôm nuôi bị chết đã lên đến 83ha.
Đặc biệt, tại huyện Núi Thành có 30ha tôm bị các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp. Còn tại xã Tam Phú (TP Tam Kỳ) cũng có đến hàng chục ao nuôi có tôm chết chủ yếu bị bệnh hồng thân.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, xã An Phú, TP Tam Kỳ cho biết, vụ này, gia đình anh nuôi 6 ao tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 7.000m2. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trước, toàn bộ số tôm nuôi đều mắc bệnh hồng thân và chết sạch khiến gia đình thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
“Tôi nuôi tôm cũng đã hơn 20 năm rồi. Những năm trước tôm ít khi bị bệnh. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, càng nhiều người đến khu vực này đào ao nuôi tôm khiến nguồn nước càng ngày càng bị ô nhiễm và bắt đầu xuất hiện các loại bệnh. Trong đó, vụ hè tôm chủ yếu bị bệnh hồng thân. Đến vụ đông thì các loại bệnh thường gặp là bệnh gan và đường ruột”, anh Hoàng nói.
Tôm bị bệnh, chết do ô nhiễm môi trường đang là thực trạng thường xuyên xảy ra nhiều năm qua ở tỉnh Quảng Nam. Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh này cho biết, hàng năm, trên địa bàn có trên 100ha tôm bị chết liên quan đến vấn đề môi trường, làm thiệt hại của người dân từ 10 – 20 tỷ đồng.
Theo đó, ô nhiễm môi trường phát sinh từ: Chất dinh dưỡng cho tôm ăn (thức ăn dư thừa), phân tôm, vỏ tôm, tôm chết, chất hữu cơ hòa tan, vi sinh vật, … từ các ao nuôi tôm. Khi các chất hữu cơ bị phân phân hủy sẽ làm ô nhiễm ao nuôi qua việc làm bùng phát tảo, gây thiếu oxy ao nuôi, biến động môi trường nước.
Hơn nữa, các quá trình phân hủy yếm khí từ xác tảo chết, thức ăn dư thừa, có thể dẫn đến sự tích tụ các khí độc như NH3, H2S, CH4… gây mùi khó chịu cho môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong quá trình nuôi người dân vẫn ít chú trọng đến vấn đề xử lý nước thải nuôi tôm (đặc biệt là nuôi tôm vùng triều, dọc sông Trường Giang). Do vậy, tiềm ẩn nhiều vấn đề về ô nhiễm hữu cơ cho môi trường vùng nuôi và môi trường xung quanh.
“Nếu hệ thống ao nuôi không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải phù hợp được tích hợp vào thiết kế của hệ thống ao nuôi thâm canh, nước thải với hàm lượng hữu cơ, chất dinh dưỡng cao từ ao nuôi sẽ làm ô nhiễm nước trong hệ thống ao nuôi và nước mặt xung quanh khu vực nuôi. Từ đó sẽ làm tăng chi phí xử lý nước đầu vào và tăng nguy cơ mang mầm bệnh vào ao nuôi của chính chủ hộ nuôi và các cơ sở nuôi lân cận”, ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, mặc dù thực trạng ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản trên địa bàn như thế nhưng đơn vị đang gặp phải một số khó khăn trong công tác quản lý, xử lý. Một trong số đó có thể kể đến là cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được Nhà nước đầu tư để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Ngoài ra, nguồn kinh phí thực hiện chương trình quan trắc và cảnh bảo môi trường vùng nuôi hạn chế, vì vậy lượng mẫu kiểm tra còn ít, các chỉ tiêu kiểm tra chỉ dừng ở mức kiểm tra các thông số thông thường, chưa đánh giá được tổng thể các yếu tố trong môi trường nước.
Do đó, để khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nuôi, tỉnh Quảng Nam cần sớm triển khai dự án nạo vét sông Trường Giang để khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm; Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền người dân về các giải pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn lịch mùa vụ và chỉ đạo sản xuất phù hợp …