Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, có dịp trò chuyện với chị Huỳnh Cẩm Ngân (35 tuổi, ngụ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), chúng tôi mới thấy hết được niềm đam mê, tâm huyết của người phụ nữ này trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp. Ðiều đáng trân trọng là chị Ngân sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho những hộ muốn làm theo mô hình của chị.
Chị Ngân chia sẻ: “Mô hình nuôi tôm công nghiệp nói không với chất kháng sinh, chất tồn lưu của gia đình tôi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tâm huyết của tôi và chồng là mô hình nuôi tôm công nghệ cao không sử dụng kháng sinh được lan toả sâu rộng trong Nhân dân. Từ đó, giúp nông dân hiểu đúng, đủ về tầm quan trọng của việc nuôi tôm sạch. Ðồng thời, giúp mô hình phát triển đúng hướng và bền vững trong tương lai”.
Chị Ngân cho rằng, hiện nay, việc người nuôi tôm sử dụng kháng sinh một cách vô tội vạ vô hình trung đã làm cho môi trường nuôi tồn dư lượng đáng kể các chất gây hại cho vi khuẩn có lợi. Ðiều này khiến chúng không có điều kiện để phát triển. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn gây hại cho tôm nuôi phát triển, khiến việc nuôi thuỷ sản không đạt hiệu quả như mong đợi.
“Gia đình tôi có khoảng 7 khu nuôi với hơn 20 ha. Theo tôi, việc nuôi tôm không sử dụng kháng sinh mang lại hiệu quả cao và giữ gìn được môi trường nuôi không bị ô nhiễm. Từ đó, giúp tôm nuôi phát triển tốt, không bị mắc bệnh và sinh trưởng tốt. Tôi thường mời các chuyên gia có kiến thức về lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản phân tích, định hướng, giới thiệu về mô hình nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, không chất tồn lưu. Hướng tới, tôi sẽ nhân rộng mô hình này và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật với những ai có thiện chí hợp tác để phát triển”, chị Ngân cho biết.
Theo chị Ngân, hiện nay, có nhiều sản phẩm phục vụ nuôi thuỷ sản không đạt chất lượng, có chứa chất tồn lưu, nhưng người nuôi không phân biệt được, cứ thấy giá rẻ là chọn mua. Việc sử dụng vô tội vạ các sản phẩm trôi nổi làm cho môi trường nuôi bị ô nhiễm, chứa nhiều chất tồn lưu trong đất, dẫn đến việc nuôi thuỷ sản không mang lại hiệu quả.
Hiện gia đình chị Ngân đang nghiên cứu máy ủ vi sinh phục vụ nuôi tôm. Việc sử dụng máy sẽ hạn chế sức người và tiết kiệm được lượng lớn vi sinh trong quá trình nuôi tôm. Ðồng thời, giúp làm giảm chi phí thuê lao động chất lượng cao.
“Công dụng của máy này là ủ ra một loại sản phẩm vi sinh có chất lượng để đưa vào môi trường nuôi và tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Nếu thuê kỹ sư, mình phải tốn từ 15-20 triệu đồng/tháng, nhưng nếu thuê một lao động phổ thông, vừa có sức khoẻ lại có tâm huyết, được trợ lực bằng máy ủ vi sinh thì mình ít tốn chi phí và mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người. Việc đưa vào sử dụng máy ủ vi sinh thì ai cũng làm việc được và tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Khi sử dụng vi sinh bằng máy ủ, lượng vi sinh trong mỗi vụ nuôi sẽ tiết kiệm được khoảng 60%, nhưng hiệu quả rất cao. Gia đình tôi đã liên hệ ngành chức năng để đăng ký bản quyền sáng chế. Hiện gia đình đang nghiên cứu, chế tạo ra 2 máy ủ vi sinh. Trong đó, máy dùng để ủ vi sinh chuyên cho tôm ăn và máy ủ vi sinh để xử lý nước”, chị Ngân nói thêm.
Ông Phùng Trường Nguyên, Phó chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, cho biết: “Sau khi nghe chị Ngân chia sẻ về mô hình nuôi tôm không kháng sinh, không chứa chất tồn lưu, bản thân tôi đánh giá cao về ý tưởng mô hình của chị Ngân. Ðây là mô hình rất hay, nếu đạt kết quả và nhân rộng sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm tôm nuôi của địa phương. Ðồng thời, giúp môi trường nuôi được đảm bảo, chi phí sản xuất thấp và tăng lợi nhuận cho người dân”./.
Trần Quốc Khải
Báo Cà Mau