Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, nuôi tôm dưới tán rừng là mô hình có tính thích ứng biến đổi khí hậu tốt, đang được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân vùng ven biển nhân rộng bởi lợi ích “kép” khi vừa bảo đảm lợi nhuận cho người nuôi mà rừng vẫn được bảo vệ và phát triển.
Là người có nhiều năm nuôi tôm dưới tán rừng trên diện tích hơn 3 ha ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, ông Phạm Thái Bình chia sẻ kinh nghiệm: Để đạt năng suất cao, người nuôi cần chọn con giống chất lượng, tuân thủ lịch thời vụ thả giống. Mỗi năm, gia đình ông thả giống tôm nuôi bốn đợt, mỗi đợt khoảng 50 nghìn con. Đợt đầu tiên bắt đầu từ tháng 11 âm lịch và cứ sau hai tháng nuôi, tiếp tục thả giống lần 2, lần 3 và kết thúc thả giống vào tháng 5 âm lịch năm sau. Tôm nuôi theo hình thức quảng canh và thu hoạch bằng cách tỉa thưa, chọn tôm đạt kích cỡ loại I để bán được giá cao. Đây là mô hình sinh kế rất bền vững, giảm rủi ro do dịch bệnh trên tôm nuôi. Bình quân mỗi héc-ta, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Tuy lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng phương thức nuôi này mang lại nguồn thu nhập ổn định hằng năm và góp phần cùng cộng đồng bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn; tạo môi trường sinh thái bền vững cho cuộc sống, sản xuất vùng ven biển của tỉnh. Ông Huỳnh Hoàng Ân cùng xã Long Vĩnh cho biết thêm, nuôi tôm dưới tán rừng rất nhẹ công chăm sóc. Chi phí thức ăn không nhiều do tận dụng được nguồn vi sinh vật trong môi trường nước tự nhiên; tôm nuôi phát triển khỏe mạnh, ít bệnh.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, toàn huyện có hơn 8.500 ha nuôi tôm hằng năm. Hiện nay, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang mô hình nuôi thủy sản kết hợp với rừng (chiếm gần 60% diện tích). Để hỗ trợ những hộ dân ít đất, ít vốn phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, tháng 6-2020, từ nguồn vốn của Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp sinh kế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh đã chọn 22 hộ ở huyện Duyên Hải để hỗ trợ thực hiện mô hình và trình diễn. Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học vào quy trình nuôi cho nên giảm được nhiều chi phí sản xuất. Kết quả sau một kỳ nuôi hơn ba tháng, năng suất bình quân trong mô hình đạt khoảng 0,7 tấn/ha, lợi nhuận mỗi ha đạt gần 74 triệu đồng, cao hơn so với sản xuất đại trà trước đó gần 40 triệu đồng. Cùng với đó, tôm thương phẩm dễ tiêu thụ, do các đại lý thu mua hoặc nhà máy chế biến tại tỉnh đều rất cần nguồn cung cấp tôm sạch.
Tuấn Vũ