Thứ Hai, 22/08/2022, 18:07

Lá lựu: phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng

(Aquaculture.vn) – Để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của chế độ cho ăn thức ăn có bổ sung chất chiết lá lựu đến tăng trưởng, thông số miễn dịch và khả năng kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei).

Chất chiết lá lựu được xác định có hoạt tính kháng khuẩn V. parahaemolyticus, V. harveyi (Ảnh: The Spruce / K. Dave)

Các nghiên cứu trước cũng đã ghi nhận chất chiết lá lựu được xác định có hoạt tính kháng khuẩn V. parahaemolyticus, V. harveyi với đường kính vòng kháng khuẩn lớn tương ứng với 20,7 ± 0,58mm và 18,3 ± 0,58mm (Trần Thị Tuyết Hoa & cs., 2020). Bên cạnh đó, cá tra giống được tăng cường khả năng đáp ứng miễn dịch và kháng vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ sau 4 tuần sử dụng thức ăn có bổ sung chất chiết lá lựu (Bùi Thị Bích Hằng & Trần Thị Tuyết Hoa, 2020).

Vì vậy, thử nghiệm chất chiết lá lựu đã được thiết lập trên tôm thẻ chân trắng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Thứ nhất, sau 4 tuần thí nghiệm, tốc độ tăng trưởng và khối lượng của tôm được bổ sung chất chiết lá lựu (1%-5,36 g/con và 2%-6,08 g/con) cao hơn nghiệm thức không bổ sung thảo dược (5,21 g/con). Với hệ số thức ăn (FCR) ở nghiệm thức bổ sung 1% (FCR=1,15), 2% (FCR=1,17) chất chiết lá lựu đạt giá trị thấp hơn nghiệm thức đối chứng (FCR=1,21). Như vậy, tôm được cho ăn thức ăn bổ sung chất chiết lá lựu (1% và 2%) đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn so với tôm ở nghiệm thức đối chứng, không bổ sung chất chiết lá lựu. Các loại thảo dược được ghi nhận có khả năng tạo hương vị, kích thích bắt mồi, tiết dịch tiêu hóa và giúp hấp thu thức ăn hiệu quả hơn. Qua đó, chiết xuất thảo dược giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, gia tăng sự chuyển đổi thức ăn và dẫn đến việc tổng hợp protein cao hơn.

Thứ 2, việc bổ sung chất chiết thảo dược vào thức ăn giúp gia tăng hoạt tính enzyme PO và SOD trong máu tôm, giúp tăng cường hệ miễn dịch của tôm thẻ chân trắng. SOD là enzyme được tạo ra từ cơ chế đáp ứng miễn dịch kháng lại các tác nhân gây hại đến cơ thể giáp xác – tôm (Campa-Cordova & cs., 2002). Việc bổ sung chất chiết lá lựu mức 2% giúp gia tăng hoạt tính PO và SOD, tăng cường cơ chế đáp ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng giúp gia tăng các chỉ số huyết học (tổng tế bào máu, bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân) và các chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu (PO và SOD).

Thứ 3, Khả năng đề kháng V. parahaemolyticus của tôm thẻ chân trắng được cho ăn thức ăn có bổ sung chất chiết lá lựu trong vòng 28 ngày, được cảm nhiễm với vi khuẩn V. parahaemolyticus bằng phương pháp ngâm. Kết quả ghi nhận nghiệm thức đối chứng âm (tôm không cảm nhiễm với V. parahaemolyticus) có tỷ lệ chết tích lũy là 4,5%. Nguyên nhân là do tôm có hiện tượng ăn nhau khi lột xác và kết quả kiểm tra cho thấy tôm chết ở nghiệm thức này không nhiễm khuẩn V. parahaemolyticus. Tôm ở các nghiệm thức cảm nhiễm với V. parahaemolyticus (NT ĐC dương; NT C1; NT C2) xuất hiện tôm chết sau 48 giờ cảm nhiễm. Tôm chết có dấu hiệu khối gan tụy nhợt nhạt, ruột rỗng không chứa thức ăn (Hình 2A). Tỷ lệ chết tăng dần vào những ngày tiếp theo cho tới ngày thứ 9 sau cảm nhiễm thì tôm ngừng chết. Tôm thẻ chân trắng ở các nghiệm thức cảm nhiễm với V. parahaemolyticus đều cho sản phẩm khuếch đại thể hiện vạch sáng ở vị trí 230 bp (Hình 2B). Kết quả PCR cho thấy tôm thẻ chân trắng của thí nghiệm chết là do tôm nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus.

Trong đó, nghiệm thức tôm sử dụng thức ăn không bổ sung chất chiết lá lựu (NT đối chứng dương) có tỷ lệ chết tích lũy là 71,1%, NT C1 (tôm sử dụng thức ăn bổ sung 1% chất chiết lá lựu) tỷ lệ chết tích lũy là 68,89%, NT C2 (tôm sử dụng thức ăn bổ sung 2% chất chiết lá lựu) có tỷ lệ chết tích lũy thấp nhất 44,4% (Hình 3). Như vậy, kết quả cho thấy nghiệm thức bổ sung 2% chất chiết lá lựu có hiệu quả cao nhất, với tỷ lệ chết tích lũy (44,4%) khác biệt có ý nghĩa (p < 0,05) so với nghiệm thức đối chứng (71,1%). Điều này cho thấy việc bổ sung chất chiết lá lựu ở mức 2 có khả năng giúp tôm kháng lại tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, V. parahaemolyticus.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chế độ cho ăn có bổ sung 2% chất chiết lá lựu sau 4 tuần giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng và tăng cường miễn dịch ở tôm thẻ chân trắng (gia tăng chỉ số huyết học và một số chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu – hoạt tính PO và SOD). Ngoài ra, chế độ cho ăn có bổ sung 2% chất chiết lá lựu giúp tăng tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng khi cảm nhiễm với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (V. parahaemolyticus). Đây cũng là thông tin khoa học làm cơ sở cho việc sử dụng thảo dược rộng rãi trong hoạt động nuôi trồng thủy sản nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong quản lý dịch bệnh thủy sản.

Ngọc Anh

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận