Thứ Hai, 4/10/2021, 14:00

Kiểm soát tồn dư kháng sinh trong tôm nuôi

Tồn dư kháng sinh khiến sản phẩm từ tôm nuôi trên địa bàn tỉnh kém chất lượng, khó mở rộng thị trường, nhất là xuất khẩu; vì thế, rất cần các giải pháp siết chặt, kiểm soát dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng.

 

Để tăng giá trị kinh tế tôm thương phẩm, nông hộ cần hạn chế sử dụng kháng sinh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Để tăng giá trị kinh tế tôm thương phẩm, nông hộ cần hạn chế sử dụng kháng sinh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nguy hại với người dùng

Bà Huỳnh Thị Tâm (thôn Bình Trung, xã Tam Hải, Núi Thành) đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên 2 ao nuôi có tổng diện tích 1.000m2. Trong quá trình nuôi tôm, bà Tâm chủ yếu sử dụng thuốc Berberin và lá mơ để phòng bệnh cho tôm nuôi. Tuy nhiên, khi tôm bị bệnh đường ruột, bà dùng thuốc kháng sinh Cotrim để trị bệnh.

Do thời gian sử dụng thuốc Cotrim đến khi thu hoạch tôm thương phẩm ngắn nên tôm nuôi bị nhiễm Ormetoprim – tồn dư kháng sinh bị cấm theo quy chuẩn nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ tôm của thị trường châu Âu. Không thể bán tôm thương phẩm cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, bà Tâm bắt buộc bán tôm cho tư thương cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Phan Quang Dũng – Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT), tôm nuôi bị nhiễm kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép của bà Tâm không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, gây nguy hại đến sức khỏe của người dùng.

Bà Lữ Thị Hòa (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) góp vốn với ông Nguyễn Công Nhanh để nuôi tôm thẻ chân trắng trên 2 ao với diện tích 1.500m2. Trong quá trình nuôi tôm, bà Hòa và ông Nhanh thường sử dụng các loại vitamin, chiết xuất tỏi, trầu, riềng để phòng chống bệnh cho tôm nuôi.

Không may tôm nuôi bị bệnh đường ruột, các nông hộ đã sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh. Đó là nguyên nhân khiến tôm nuôi khi thu hoạch bị nhiễm Ciprofloxacin – tồn dư kháng sinh bị cấm theo tiêu chuẩn nhập khẩu các sản phẩm từ tôm nuôi của châu Âu. Tương tự, không thể bán tôm thương phẩm cho các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu, các hộ dân đã bán cho đầu nậu cung cấp ra các thị trường trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng trên, ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong quá trình nuôi tôm, nông hộ chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi không còn phương cách nào khác để kiểm soát dịch bệnh. Khi sử dụng, người dân cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” là đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Đặc biệt, phải đảm bảo ngắt quãng thời gian để tôm đào thải hết dư lượng kháng sinh ra ngoài trước khi thu hoạch.

Cần kiểm soát chặt

Ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đã có 14 lô hàng tôm xuất khẩu của nước ta bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo. Trong đó, cảnh báo về các chỉ tiêu dịch bệnh là 5 lô, vi sinh là 5 lô, tồn dư kháng sinh cấm là 4 lô.

Ông Lê Bá Anh đề nghị các địa phương có nghề nuôi trồng thủy sản triển khai hiệu quả chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi; kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở nuôi, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về tồn dư kháng sinh.

“Ngành nông nghiệp các tỉnh, thành cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người nuôi tôm được biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Cùng với đó, tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến để tạo ra sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm” – ông Anh nói.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, ông Ngô Tấn cho biết, ngành thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển đẩy mạnh tuyên truyền đến nông hộ, các hợp tác xã nuôi tôm những quy định của pháp luật về sử dụng thuốc kháng sinh. Đối với cơ sở nuôi tôm đã bị nhiễm kháng sinh cấm, trước khi thu hoạch tôm thương phẩm 1 tháng phải báo ngành chức năng để lấy mẫu, giám sát.

“Để tôm thương phẩm bán được cho các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu với giá cao, nông dân bắt buộc phải loại bỏ hoàn toàn các tồn dư kháng sinh. Do đó, người dân cần xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm trong tôm nuôi, truy xuất nguồn gốc bằng cách ghi nhật ký đầy đủ, cho tôm ăn thức ăn gì, dùng chế phẩm sinh học như thế nào, thời hạn cụ thể khi dùng thuốc kháng sinh” – ông Ngô Tấn nói.

Ông Phan Quang Dũng cho rằng, để không sử dụng kháng sinh, người nuôi tôm cần chọn cho được nguồn giống chất lượng cao, khỏe mạnh, sạch bệnh. Khi nuôi, nông dân cần xây dựng các ao nuôi thật an toàn, ổn định môi trường nước, áp dụng các quy trình chuẩn để nuôi tôm. Hiện nay, có nhiều men vi sinh, chế phẩm sinh học, nông hộ cần áp dụng, thay thế dần kháng sinh.

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *