Tôm là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh và nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, vì vậy ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp phát triển ngành tôm.
Thực hiện Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 11-5-2018 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương về lịch thời vụ, cải tạo ao đầm, quản lý môi trường, dịch bệnh, chăm sóc tôm nuôi. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm đến tháng 8-2021, toàn tỉnh đã thả nuôi được 4.100 ha, đạt 100% diện tích, với 850 triệu con (tôm sú 250 triệu con P15, tôm thẻ chân trắng 600 triệu con P12). Trong đó, tôm sú 3.560 ha nuôi quảng canh cải tiến, tôm thẻ chân trắng 540 ha nuôi thâm canh… Nhằm đảm bảo nhu cầu nguồn giống tôm thả hàng năm của tỉnh khoảng 800 – 1.000 triệu con (tôm sú 200 – 250 triệu, tôm chân trắng 600 – 800 triệu), các cơ sở đã di nhập từ các cơ sở giống tôm của các doanh nghiệp sản xuất tôm giống từ các tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… và có giấy kiểm dịch, chứng minh được xuất xứ nguồn gốc giống tôm. Để người nuôi tôm thực hiện đăng ký xác nhận cơ sở nuôi tôm nước lợ theo quy định, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn thực hiện hồ sơ xác nhận đăng ký nuôi tôm nước lợ. Hàng tháng, lấy mẫu quan trắc nguồn nước cấp cho các vùng nuôi tôm trong tỉnh, với tần suất 2 lần/tháng. Sau khi có kết quả quan trắc, thông báo cho các địa phương, HTX, các tổ chức, cá nhân nuôi tôm biết để chủ động tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả trong nuôi tôm. Tuy nhiên, việc nuôi tôm ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ; diện tích nuôi tôm sú còn lớn, hạ tầng nuôi tôm sú chưa đáp ứng được yêu cầu để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, công nghệ cao. Nguồn giống chủ yếu được di ương từ các tỉnh miền Nam nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra xác định nguồn gốc, chất lượng con giống. Chất lượng sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản chưa được quản lý chặt chẽ trong sản xuất và lưu thông trên thị trường. Công tác xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh rất khó khăn, hạn chế do chi phí để xây dựng rất lớn, nhất là chi phí xét nghiệm để chứng nhận an toàn dịch bệnh. Người nuôi còn nhập các giống tôm chưa đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh; chưa áp dụng nghiêm ngặt các quy trình phòng bệnh; chưa tuân thủ các khuyến cáo về mật độ nuôi, chưa quản lý tốt chất lượng nguồn nước nuôi… Việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm còn gặp khó khăn do nhiều cơ sở nuôi tôm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai cho các tổ chức, cá nhân đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời, quản lý chất lượng giống tôm, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, tổ chức chuyển giao khoa học – kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao… và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất.
Lê Hợi