Thứ Năm, 17/06/2021, 11:00

Công nghệ cao: Thay đổi cục diện ngành tôm

 Với tổng diện tích nuôi tôm theo công nghệ cao đạt 200.000 ha, trong đó tập trung phần lớn tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng (chiếm khoảng 190.000 ha), ngành tôm đang được khuyến khích nuôi theo hướng công nghệ cao, hướng đến sự bền vững.

 

Mô hình TLSS của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long tại Triển lãm VietShrimp 2021 (Ảnh: Phạm Huệ)
Mô hình TLSS của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long tại Triển lãm VietShrimp 2021 (Ảnh: Phạm Huệ)

Không áp dụng công nghệ cao – khó phát triển

Theo thống kê của Cục Thú y, năm 2020 cả nước có gần 43.340 ha tôm nuôi bị thiệt hại, cao gấp 1,94 lần so với năm 2019 và chiếm 5,88% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Những con số này đã cho thấy tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại có xu hướng tăng qua các năm. Cùng với sự phát triển kinh tế kéo theo hệ quả ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, những yếu tố này tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất nuôi tôm.

Trước đây, người nuôi thả tôm với mật độ 30 – 40 con/m2, môi trường tốt, thuận lợi cho tỷ lệ thành công cao. Nhưng với thực trạng môi trường nuôi nhiều dịch bệnh, nguồn nước nuôi không đảm bảo như hiện tại, nếu chúng ta không chịu tiếp cận cái mới, không chịu thay đổi, vẫn áp dụng nuôi theo mô hình ao đất bình thường thì rất khó thành công. Để đáp ứng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ngành tôm Việt Nam cần phải chuyển đổi sang mô hình nuôi công nghệ cao thâm canh, siêu thâm canh.

Áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lấy đó làm nền tảng để phát triển trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng, phương pháp thâm canh này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế vượt trội mà còn cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng con nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Một điển hình trong số đó là gia đình “vua tôm” Đặng Văn Bảy, hay còn được gọi là Bảy An, ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Từ những năm 1990 – 2000, người dân Thạnh Phú đã biết nuôi tôm, nhưng hầu hết làm ao đắp bờ bằng len tay, chủ yếu dựa trên điều kiện lợi thế đất đai tự nhiên để canh tác. Năm 2016, gia đình ông Bảy quyết định chuyển đổi mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, cải tạo toàn bộ ao đất, diện tích từ 5.000 m2/ao xuống còn 1.000 m2/ao. Việc mạnh dạn thay đổi, tiếp cận công nghệ mới này đã giúp các vụ nuôi tôm của gia đình ông liên tiếp trúng lớn. Năm 2020, ông Bảy An là người đầu tiên xác lập kỷ lục nuôi tôm CNC hiệu quả nhất cả nước, với size tôm đạt 15 con/kg theo công nghệ do Công ty cổ phần CP Việt Nam chuyển giao, cho thu nhập khoảng 30 tỷ đồng/năm. Đồng thời, ông là một trong những đại biểu của tỉnh ra tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, với thành tích là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc.

Bên cạnh đó, việc hưởng lợi từ ký kết các Hiệp định thương mại cũng bắt buộc ngành tôm Việt Nam cần thay đổi để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường quốc tế đặt ra. Mà điều này chỉ có thể giải quyết được khi chúng ta áp dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Theo nhận định của ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản: “Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm của ngành tôm thế giới, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Việt Nam có thể sẽ trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045”.

Với tốc độ tăng trưởng như vậy, đã đến lúc ngành tôm Việt Nam cần phải thay đổi để thích nghi và phát triển. Xu thế nuôi tôm bền vững đang được đánh giá cao và được các quốc gia trên thế giới áp dụng rộng rãi. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nuôi tôm là giải pháp tối ưu giúp tăng sản lượng, kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt xu hướng

Nhanh chóng cập nhật các xu hướng mới trên thế giới, thời quan qua đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiên phong nghiên cứu áp dụng các quy trình sản xuất riêng biệt, mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tạo sản lượng lớn, chất lượng ổn định. Điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nuôi mô hình CPF-Combine, CPF – Turbo Program, công nghệ 2-3-4, ương tôm mật độ cao Raceway, nuôi tôm siêu thâm canh trong ao tròn nổi theo công nghệ Biofloc, công nghệ Biosipec… Đây là hướng đi bền vững và là xu thế phát triển tại Việt Nam, mở ra triển vọng bền vững cho ngành tôm.

Ông Bùi Quốc Bảo, Trưởng phòng Kinh doanh bộ phận thủy sản của Công ty cổ phần C.P Việt Nam, chia sẻ: “CPF-Turbo Program là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao có lót bạt, có hố xi-phông… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học nhằm đạt mục tiêu “ba cao, một thấp và không thất bại”. Cụ thể ba cao là: tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ sống cao và số vụ nuôi cao; một thấp là FCR thấp và không thiệt hại. Còn chương trình ba sạch là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch. Yêu cầu các chủ trang trại tham gia CPF – Turbo Program phải làm hệ thống an toàn sinh học; các trang trại phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, phải đầu tư hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập. Đây là mô hình cho tỷ lệ nuôi tôm thành công hơn 90% cũng như hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nuôi tôm ao đất.

Tập đoàn Việt Úc cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực mang công nghệ cao áp dụng trong nuôi tôm tại Việt Nam. Mô hình nuôi tôm “VUS Bền Vững”, hướng tới sự bền vững và mang lại giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đây là mô hình nuôi vi sinh công nghệ cao với hai lựa chọn quy trình Biofloc và Probiotic, không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Tập trung quy trình xử lý nước thải và các chất thải trong quá trình nuôi, điều này có ý nghĩa rất lớn đến việc tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường, nâng cao tính bền vững. Mô hình cho ra các sản phẩm tôm sạch, không chứa kháng sinh, đáp ứng nhu cầu của các thị trường cao cấp trên thế giới.

Không nằm ngoài xu hướng chung, bằng kinh nghiệm và tầm nhìn của mình, Tập đoàn Minh Phú đã xây dựng kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon, triển khai xây dựng với các hình mô hình chính như Khu phức hợp nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn được quản lý bằng ứng dụng di động thông minh (Mobile App); Khu phức hợp nuôi tôm sú quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường; Khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường; Khu phức hợp nuôi tôm sú – lúa hữu cơ (2 vụ tôm sú + 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn vừa sức tải của môi trường.

Bên cạnh đó, nhắc tới nuôi tôm công nghệ cao không thể không nhắc đến mô hình nuôi ao bạt nhiều giai đoạn Thang Long Smart System (TLSS), của Công ty TNHH Khoa Kỹ sinh vật Thăng Long. Mô hình là sự kết hợp cùng lúc các sản phẩm chuyên dụng của công ty như: thức ăn chuyên dùng cho tôm ương, thức ăn chức năng gia tăng sắc tố tôm, thức ăn phòng trị bệnh phân trắng và thức ăn bảo vệ chức năng gan. Mang đến hiệu quả như giảm rủi ro, nâng cao năng suất và giảm giá thành trong vụ nuôi. Góp phần giúp người nuôi thực hiện được mục tiêu nuôi thành công và tăng lợi nhuận. Ngoài ra, sự thành công của mô hình này còn nhờ ưu điểm có thể thích ứng được với các trang trại có diện tích không lớn, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Các công trình hệ thống nuôi được thiết kế đảm bảo tính an toàn sinh học. Quá trình nuôi được chia ra nhiều giai đoạn nên thuận tiện cho khâu chăm sóc và quản lý. Trong năm 2020, Thăng Long đã bắt đầu triển khai mô hình TLSS tại các trang trại nuôi của khách hàng khu vực ĐBSCL và mang lại hiệu quả tích cực, tỷ lệ thành công lên tới 83%, cho hiệu quả kinh tế cao. Được biết, trong năm 2021, Thăng Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai và nhân rộng mô hình nuôi TLSS tại nhiều khu vực tỉnh thành trên cả nước.

 

Nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Không thể phủ nhận hiệu quả của nuôi tôm công nghệ cao mang lại, nhưng để thực hiện hóa được việc áp dụng rộng rãi trong nuôi tôm không dễ. Lý do là mô hình này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư vô cùng lớn, điều này là quá sức đối với những hộ nuôi vừa và nhỏ.

Ths. Thủy sản Huỳnh Hàn Châu (đại diện chủ trang trại nuôi tôm) chia sẻ: “Ngoài việc phải đảm bảo mô hình mang lại lợi nhuận cho người nuôi, đảm bảo các yếu tố về môi trường, đối với mô hình nuôi công nghệ cao hiệu quả, một trong những yếu tố cần thiết để phát triển là chúng cần được ứng dụng đại trà, hay nói một cách cụ thể là phải có nhiều người làm được mô hình chứ không phải chỉ có một số công ty, tập đoàn hay những người có đủ điều kiện tài chính, đất đai, nguồn nhân lực kỹ thuật…”

Vấn đề thứ hai là bài toán chi phí nuôi, Việt Nam đang là một trong những nước có chi phí nuôi tôm cao so với các quốc gia trên thế giới. Điều này khiến giá thành tôm thành phẩm bị đội lên cao, giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nước thải trong nuôi tôm công nghệ cao cũng sẽ là một yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng nước nuôi sau này nếu chúng ta chuyển đổi một cách ồ ạt, không có sự quản lý chặt chẽ. Lý do là nuôi theo mô hình siêu thâm canh thì việc sử dụng nguồn nước, lượng thức ăn rất lớn, môi trường rất dễ bị quá tải. Việc ứng dụng công nghệ xử lý nước thải cần phải đến được với từng nông hộ chứ không chỉ loanh quanh ở những “ông lớn” trong ngành tôm.

Phạm Huệ

Nguồn: nguoinuoitom.vn