(Aquaculture.vn) – Việc áp dụng mô hình nuôi công nghệ cao là giải pháp hữu ích giúp người nuôi nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất, kiểm soát môi trường, phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững.
Công nghệ nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước – RAS
Không gây ô nhiễm môi trường và phát tán dịch bệnh ra bên ngoài theo môi trường nước thải, công nghệ nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước đã được các nhà khoa học của Israel nghiên cứu và ứng dụng nuôi thành công. Công nghệ mới có thể nuôi được các đối tượng như cá biển, tôm sú, tôm thẻ chân trắng… Đây là công nghệ sử dụng hệ thống các thiết bị lọc sinh học và vi khuẩn đặc biệt để xử lý nước thải quá trình nuôi thủy sản, vì thế không ảnh hưởng tới môi trường.
RAS (Recirculating Aquaculture System) là mô hình nuôi tuần hoàn khép kín với môi trường được kiểm soát chặt chẽ trong các bể nuôi trong nhà. Nước chỉ lấy một lần, được lọc sạch dựa trên công nghệ lọc sinh học kết hợp cơ học và hệ thống xử lý chất thải hiện đại, sau đó tái sử dụng liên tục, giúp hạn chế dịch bệnh xảy ra ở tôm.
RAS thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với xu hướng nuôi trồng thủy sản bền vững mà thế giới đang hướng đến. Cụ thể, công nghệ này cho phép kiểm soát mọi yếu tố đầu vào, điều kiện nuôi và xả thải. Do đó môi trường nuôi được tạo điều kiện để không, hoặc rất hạn chế, sử dụng kháng sinh và thuốc. Bên cạnh đó, bằng việc kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ lọc hiện đại, chu trình nuôi giảm đáng kể tiêu thụ năng lượng và nước, giảm lượng phát thải CO2. Trong thời gian nuôi không cần phải thay nước hoặc thực hiện xử lý hóa chất và không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, công nghệ mới này có thể sử dụng ở bất kỳ nơi nào kể cả ở những khu vực trong nội đồng thiếu nước mặn.
Công nghệ RAS đã được các tổ chức uy tín thế giới là FAO và Eurofish khuyến nghị như một phương pháp nuôi trồng thủy sản bền vững, hiện được ứng dụng rộng rãi tại các nước phát triển như Israel, châu Âu, Trung Quốc. Công nghệ mới này có ý nghĩa quan trọng, mở ra con đường mới trong việc nuôi tôm nước lợ ở cả những khu vực bị bỏ hoang hóa sâu trong đất liền, giúp giảm tải cho vùng ven biển, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên chi phí để ứng dụng công nghệ này là cản trở lớn nhất đối với các nhà đầu tư.
Mô hình nuôi biofloc
Nuôi tôm biofloc đem đến tính an toàn sinh học cao, giúp tôm tăng trưởng nhanh, năng suất và sản lượng cao đồng thời giảm chi phí sản xuất so với các hệ thống nuôi thông thường. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ này người nuôi sẽ ngăn ngừa hiệu quả bệnh Đốm trắng trên tôm, ổn định môi trường nước và không cần thay nước thường xuyên.
Biofloc là các cụm kết dính bao gồm tảo cát, tảo biển lớn, động vật nguyên sinh, các hạt hữu cơ chết, vi khuẩn. Mỗi hạt floc được gắn kết lại với nhau trong một ma trận lỏng lẻo bởi các chất nhờn được tiết ra từ vi khuẩn, chúng bị ràng buộc bởi các vi sinh vật dạng sợi, hoặc do lực hút tĩnh điện. Cộng đồng vi sinh trên biofloc cũng bao gồm các động vật phù du và giun tròn. Biofloc trong hệ thống nước xanh thường có kích thước lớn, vào khoảng 50-200µm, và rất dễ lắng xuống trong nước tĩnh.
Chất lượng dinh dưỡng của biofloc rất tốt cho tôm cá nuôi. Hàm lượng protein khô trong biofloc chiếm khoảng 25-50%, phần lớn nằm trong khoảng 30- 45%. Chất béo chiếm từ 0.5-15%, thông thường nằm trong khoảng 1-5%. Biofloc là một nguồn vitamin và khoáng chất rất tốt, đặc biệt là phosphorus. Biofloc cũng có tác dụng giống như chế phẩm sinh học (probiotic).
Một yếu tố quan trọng trong hệ thống là sự kiểm soát của Biofloc trong ao nuôi trong quá trình hoạt động. Biofloc được duy trì ở mức dưới 15 ml/L trong khi hoạt động. Tỷ lệ Carbon (C): Nitơ (N) được điều chỉnh và giữ ở mức trên 15:01 bằng cách điều chỉnh mật mía, ngũ cốc dạng viên và các đầu vào thức ăn. Sục khí giữ cho biofloc lơ lửng trong nước ao, đây là yêu cầu chính để tối đa hóa khả năng các quá trình hoạt động của vi khuẩn trong ao nuôi tôm. Biofloc lơ lửng cũng là nguồn thức ăn sẵn có cho tôm.
Lợi ích của biofloc là chuyển hóa chất dinh dưỡng từ chất thải hữu cơ thành nguồn protein của cá hoặc tôm. Khoảng 20-30% nitrogen trong thức ăn được đồng hóa (hấp thu) bởi tôm cá, khoảng 70-80% nitrogen trong chất thải ra môi trường. Trong hệ thống biofloc, phần lớn lượng nitrogen này được vi sinh vật sử dụng và nó là thành phần chính của các hạt biofloc.
Mô hình nuôi tôm trong nhà bạt vụ
Đông Nuôi tôm vụ Đông nhà bạt là mô hình mới đang được các tỉnh miền Bắc ứng dụng rất phổ biến. Với mô hình này, người nuôi tôm sử dụng các hệ thống mái che bằng các tấm bạt nhựa để che phủ cho các ao nuôi. Môi trường ao nuôi này sẽ được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Từ đó giảm thiểu tác nhân gây bệnh cho tôm, giúp nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng tôm khi đến vụ thu hoạch.
Hệ thống nhà bạt được xây dựng trên ao theo hình chóp nón, giữa ao có một trụ chính, xung quanh ao cắm trụ bê tông hoặc sắt cao khoảng 20cm so với mặt đất cách nhau khoảng 30cm. Dây cáp sắt đường kính 3mm, được căng xung quanh ao đảm bảo độ dốc 5%, trên được phủ bạt kính. Việc xây dựng theo hình chóp nón có ưu điểm tránh được gió bão tốt hơn khi xây dựng theo hình ngôi nhà.
Có hai hình thức nuôi phổ biến: (1) Nuôi đơn cấp, giống được thả trực tiếp xuống ao (cỡ giống P12 trở lên), thời gian nuôi từ 3-4 tháng tiến hành thu hoạch; (2) Nuôi theo kiểu đa cấp. Giai đoạn 1 ương trong bể ương trong nhà với thời gian 20-30 ngày với mật độ 500-1.000 con/m2 , sau khi tôm đạt cỡ 3-4 cm/con, được san ra ao thương phẩm với mật độ trung bình 100 con/m2 , sau 2 tháng nuôi tôm đạt cỡ 50-60 con/kg tiến hành thu hoạch.
Nuôi tôm trong nhà bạt tạo ra môi trường khép kín hoàn toàn hoặc bán khép kín để kiểm soát nhiệt độ, nước, thức ăn, vi sinh. Duy trì môi trường sinh trưởng lý tưởng cho tôm, tăng tỷ lệ thành công đạt đến 80 – 100% vụ nuôi, tăng sản lượng và chất lượng tôm.
Tuy nuôi tôm trong nhà bạt có nhiều lợi thế nhưng đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên quan sát để xử lý kịp thời khi xảy ra hiện tượng gió lớn làm rách bạt. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cũng cao hơn, đầu tư xây dựng nhà bạt, hệ thống quạt nước, máy sục khí phải đảm bảo cho tôm hô hấp. Vì lượng oxy từ không khí khuyếch tán vào trong môi trường nước ít, nên thời gian sử dụng quạt nước nhiều hơn so với khi nuôi tôm ngoài trời …
Mô hình nuôi tôm Thăng Long Smart System
Mô hình Thăng Long Smart System (TLSS) là một trong những thành công nổi bật được Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long tập trung nghiên cứu và triển khai thành công. TLSS đã mang lại hiệu quả tích cực với tỷ lệ thành công trên 80%, là giải pháp tổng thể từ con giống, chế phẩm sinh học, mô hình nuôi và phục vụ kỹ thuật. Sự đột phá của mô hình Thăng Long Smart System chính là sự kết hợp toàn diện các giá trị cốt lõi từ quy hoạch thiết kế ao nuôi, quy trình xử lý nước, nguồn giống lớn nhanh, kỹ thuật gièo giống, kỹ thuật nuôi thịt, các loại thức ăn ương gièo, thức ăn tăng trọng, thức ăn chức năng và các sản phẩm chế phẩm sinh học của Thăng Long.
Quy trình nuôi TLSS được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (giai đoạn ương gièo), gièo 1 – 25 ngày, mật độ 2.000 con/ m2 , đạt size 1.500 – 2.000 con/kg; Giai đoạn 2 (Pha tôm lứa), nuôi từ 25 – 60 ngày, mật độ 300 – 500 con/m2 , đạt size 100 – 150 con/kg; Giai đoạn 3 (Pha thương phẩm) nuôi từ 60 ngày đến thu hoạch (90-100 ngày), mật độ 120 – 250 con/m2 , nuôi đến size xuất bán theo nhu cầu thị trường.
Mô hình TLSS của Thăng Long giúp tăng cường quản lý chất lượng nước cho hệ thống nuôi thông qua việc thiết kế bố trí phần lớn diện tích cho việc làm sạch nước (ao chứa, ao xử lý đa cấp, ao chứa nước sạch) trước khi đưa vào trong hệ thống nuôi; Quá trình nuôi được phân chia ra nhiều giai đoạn nhằm mục đích đảm bảo an toàn, hạn chế chi phí sản xuất, tôm nuôi được về trọng lượng lớn và tăng số vụ nuôi trong năm; Mỗi giai đoạn đều có sản phẩm thức ăn chức năng riêng biệt nhằm đảm bảo tính an toàn, đảm bảo tốc độ sinh trưởng và gia tăng giá trị cho tôm thương phẩm ở giai đoạn xuất bán.
Thanh Hiền (Tổng hợp)