Theo thống kê, hiện đã có 44 tấn cá lồng của người dân nuôi trên sông Lạch Bạng bị yếu và chết. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tìm nguyên nhân.
Khoảng 8 giờ 20 phút ngày 19/7/2021, UBND phường Xuân Lâm (thị xã Nghi Sơn) nhận được thông tin cá lồng nuôi tại tổ dân phố Dự Quần, khu vực sông Lạch Bạng (quanh khu vực cầu Dừa) có hiện tượng bị yếu, nổi lờ đờ. Nhiều con chết nổi lên mặt nước.
Sự việc được báo lên UBND Thị xã Nghi Sơn và ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Người dân phường Xuân Lâm cho hay, tại thời điểm cá yếu và chết trên khu vực sông Lạch Bạng, nước sông đổi sang màu đen, bốc mùi hôi thối.
Theo thống kê của ngành chức năng, đến 9 giờ 30 ngày 20/7/2021, 251 ô lồng của 16 hộ nuôi có cá yếu và chết, số lượng cá bị yếu và con chết là 44 tấn. Các loại cá nuôi chết chủ yếu là cá có giá trị cao, đã đến thời kỳ xuất bán nhưng do ảnh hưởng của dịch covid-19 nên chưa bán được như cá vược, cá hồng mỹ, cá mú…
Đến ngày 23/7, cá biển nuôi lồng tại khu vực sông Bạng mới ổn định trở lại.
Khi phát hiện cá bị yếu các hộ dân đã tìm cách cứu cá như là sục khí, khuấy động nước, quạt tạo ô xy nhưng không có hiệu quả. Trước tình đó người dân đã vớt cá cho ướp đá lạnh và nhập cho các đầu mối tiêu thụ.
Người dân ở đây cho hay, do ảnh hưởng của dịch covid-19, cá lồng nuôi thời gian gần đây khó xuất bán. Có những lồng cá vược nuôi 2 năm nay, các lớn 2-3 kg/con nhưng không bán được, hàng ngày chi phí thức ăn rất lớn. Nay cá chết, thiệt hại của người dân là rất lớn, nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay.
Sáng 20/7/2021, sau khi nhận được thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các phòng, đơn vị có liên quan trên địa bàn thị xã Nghi Sơn kiểm tra, hướng dẫn người nuôi các giải pháp kỹ thuật để hạn chế thiệt hại.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đã lấy 3 mẫu nước, 3 mẫu cá nuôi lồng gửi Trung tâm Quan trắc môi trường và Dịch bệnh thủy sản miền Bắc để phân tích, xác định nguyên nhân.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cá chết.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị UBND thị xã Nghi Sơn chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường có cá nuôi lồng tiếp tục theo dõi tình hình cá nuôi trong khu vực, thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại kịp thời.
Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn, các phường cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo quản lý, hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp nuôi cá lồng đảm bảo an toàn, giảm thiểu tình trạng cá chết.
Theo ghi nhận của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, việc nuôi cá lồng của cá hộ dân trong khu vực cửa sông Lạch Bạng là tự phát, không theo quy hoạch. Quanh khu vực nuôi này có rất nhiều nhà máy công nghiệp được bố trị cạnh bờ sông.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng địa phương đã tuyên truyền vận động, khuyế cáo người dân không nuôi cá ở khu vực này nhưng người nuôi không chấp hành. Nhiều lồng cá, dàn nuôi hàu tự phát vẫn không ngừng phát triển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chính quyền địa phương phường Nghi Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ ký cam kết tự giải bản lồng nuôi sau khi thu hoạch vụ cá năm 2021 và chịu trách nhiệm nếu xảy ra hiện tượng cá chết trong quá trình nuôi.
Tình trạng phát triển nóng lồng nuôi cá trong khu vực không quy hoạch tại tỉnh Thanh Hóa thời gian qua diễn ra khá phổ biến. Thời gian qua, Thanh Hóa ghi nhận nhiều lần tình trạng cá chết trên các khu vực nuôi cá lồng tự phát.
Sông Lạch Bạng không thuộc quy hoạch vùng nuôi cá lồng
Sông Lạch Bạng không thuộc vùng quy hoạch nuôi cá lồng của tỉnh Thanh Hóa nhưng trong thời gian qua, hàng chục hộ dân với hàng trăm lồng nuôi cá, dàn nuôi hàu phát triển. Năm năm gần đây, hầu như năm nào cá lồng nuôi ở đây cũng bị chết. Sự việc lần này thêm một lần nữa cảnh tỉnh cho người nuôi cá lồng tự phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn: Nongnghiep.vn
Tags: