Huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) được xem là “thủ phủ” của mô hình lúa – tôm. Vụ lúa – tôm năm ngoái, toàn huyện có 12.500ha diện tích xuống giống lúa trên đất tôm và có 7.100ha thả tôm càng xanh xen với lúa.
Mô hình lúa-tôm kết hợp trồng màu này chủ yếu tập trung ở các xã Vĩnh Phú Tây, Phước Long, thị trấn Phước Long và một phần xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu).
Đây là mô hình nuôi kết hợp mang tính sinh thái. Ưu điểm của mô hình lúa-tôm kết hợp trồng màu là sản xuất ngắt vụ nên hạn chế được mầm bệnh phát sinh trong ao nuôi tôm; sang vụ lúa, lúa sẽ hấp thu các chất hữu cơ trong ao nuôi, các sản phẩm thải của tôm cá giúp cải tạo lại ao nuôi.
Mùa vụ của mô hình: Sản xuất từ tháng 1 – tháng 8 hằng năm. Theo đó, thả 2 vụ tôm sú, đến tháng 8 khi độ mặn giảm thì tiến hành rửa mặn để sạ lúa, kết hợp với thả tôm càng xanh và trồng màu trên bờ vuông.
Mật độ thả tôm sú từ 1 – 2 con/m2, tôm càng xanh từ 1 – 2 con/m2; số lượng lúa sạ 7kg/1.000m2. Kết quả: Năng suất tôm sú từ 200 – 280kg/ha/năm, lãi từ 15 – 30 triệu đồng/ha/năm; năng suất lúa từ 4 – 4,5 tấn/ha, lãi từ 12 – 16 triệu đồng/ha/vụ; năng suất tôm càng xanh từ 100 – 150 kg/ha/năm, lãi từ 10 – 15 triệu đồng/ha/năm.
Riêng trồng các loại màu như khổ qua, bắp, bí đỏ, dưa hấu, dưa leo trên bờ vuông, sau khi trừ chi phí sản xuất cho lãi gần 15 triệu đồng trong thời gian 3 – 4 tháng. Tổng lợi nhuận từ mô hình này từ 50 – 100 triệu đồng/ha/năm.
Qua nhiều năm sản xuất, nông dân cho rằng mô hình lúa – tôm kết hợp trồng màu trên bờ vuông đã mang lại hiệu quả cao và phát triển bền vững. Hiện mô hình này được huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) và ngành chức năng khuyến cáo nhân rộng.
Nhật Minh
Nguồn: Báo Bạc Liêu