Được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hà Trung, Thanh Hoá giới thiệu, xe chúng tôi đến khu trang trại tổng hợp của anh Tuy ở xã Yên Dương cách trung tâm huyện chưa đầy 3 km dọc theo quốc lộ 1A về phía bắc. Anh Tuy với dáng người mảnh khảnh, nước da sạm nắng, nhanh nhẹn đón chúng tôi.
Sau khi đưa chúng tôi đi “thị sát” quanh trang trại, anh Tuy chia sẻ, năm 2013, gia đình anh nhận 2 ha đất để chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, trồng cây; bước đầu trang trại bước đầu đã cho lợi ích kinh tế. Năm 2014 anh viết đơn và được chính quyền địa phương cho nhận tiếp 7 ha đất để đầu tư mở rộng phát triển trang trại. Năm 2020, anh tập trung phát triển đàn trâu, bò và trồng lúa, nuôi cá truyền thống nhưng giá cả thị trường không ổn định, mất cân đối thu – chi nên thu nhập tăng không đáng kể. Từ năm 2021 đến nay, vợ chồng anh chuyển hẳn sang sản xuất con ốc thịt, ốc giống thương phẩm.
Khu vực trang trại liền kề với ngôi nhà mái bằng gia đình đang ở. Anh Tuy nói: “Khu trang trại tôi nhận thầu có diện tích khá lớn (9 ha) trong đó đất hộ dân chuyển nhượng là 1,5 ha. Trang trại của tôi là một trong số ít trang trại tổng hợp có quy mô diện tích đất lớn nhất, nhì trong huyện sử dụng không thời hạn, hàng năm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách với địa phương theo hợp đồng”.
Để có được cơ ngơi trang trại quy mô đẹp mắt như hiện nay, anh Tuy đã tốn nhiều công sức tiền của một nắng hai sương vỡ vạc, khai phá cải tạo vùng đất hoang hoá cỏ dại um tùm, sình lầy… sản xuất kém hiệu quả đã bị “ngủ quên” trong nhiều năm qua. Anh cho biết, anh sử dụng 3,5 ha đất để làm ao chuyên nuôi ốc thịt, ươm ốc giống thương phẩm hàng năm; 5,5 ha làm ao chuyên tích trữ nước sạch để nuôi ốc, đất khoanh vùng trồng lúa để sinh hoạt hàng ngày, ao trồng khoai nước, ao thả bèo, đất trồng mướp, đu đủ, đậu, rau màu các loại… chủ yếu để làm thức ăn cho ốc.
Theo anh Tuy, nuôi ốc lồi không khó, thức ăn dễ kiếm, dễ tiêu thụ mà lãi cao nên anh “đam mê” với con ốc. Không giấu diếm, anh chia sẻ về kỹ thuật nuôi ốc của mình. Ao phải bơm cạn nước, diệt tạp, rải vôi bột… xả nước sạch vào ao duy trì mực nước thường xuyên trong ao 0,8 – 1 mét. Bón phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) tạo màu nước. Để tránh thiệt hại rủi ro, dùng lưới làm mái che nắng, gió rét và làm nơi trú ẩn cho ốc về mùa hè, mùa đông; xung quanh ao vây lưới ngăn không cho ốc vào bờ để tránh chuột, chim phá hại; không sử dụng thuốc diệt cỏ để vệ sinh ao, hoặc hoá chất để diệt côn trùng xâm nhập mà dùng bẫy kẹp thủ công tự chế để bắt, diệt rất hiệu quả, vì vậy đã không có thiệt hại xảy ra.
Tại ao sử dụng để ấp trứng làm ốc giống, anh dùng lưới quây (gọi là tráng) cách bờ ao độ 1 mét để chống chuột, chim xâm nhập phá hại. Cách ấp, trứng ốc đựng trong các thùng xốp để ấp trong nhiệt độ 28-30 độ C, từ 15-20 ngày (mùa lạnh 30 ngày), duy trì chế độ phun nước sạch ủ ẩm trứng sẽ nở thành ốc con (thiếu hoặc thừa nước trứng sẽ hỏng). Khi trứng ốc nở thành con, khoảng 4 nghìn con/kg (400 con/lạng) thì đem thả nuôi. Chú ý phòng trừ sâu bệnh, dịch hại. Muốn nước ao nuôi không bị ô nhiễm, phải xả bớt nước đệm, bơm nước sạch 2 lần/năm vào ao; chú ý phát quang bờ ao. Ốc thường mắc bệnh sưng vòi nhưng do sử dụng nguồn nước sạch, môi trường ao nuôi luôn được vệ sinh sạch sẽ nên chưa từng xảy ra dịch bệnh gây hại tại ao nuôi của gia đình anh.
Thức ăn cho ốc chủ yếu là các loại rau màu như mướp, đu đủ, chuối, bèo, rau, đậu, khoai nước… Các loại rau củ này rửa sạch, thái nhỏ cho ốc ăn ngày 1 lần vào 7-8 giờ sáng. Ngoài ra, các loài phù du trong ao cũng là nguồn thức ăn tự nhiên cho ốc. Do thức ăn tự sản xuất được từ trang trại nên ốc thương phẩm anh bán ra thị trường là ốc sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ cho người tiêu dùng. Hàng ngày cho ốc ăn vừa đủ, không để dư thừa sẽ gây ô nhiễm nước ảnh hưởng sức khoẻ con ốc. Trang trại được lắp đặt hệ thống camera giám sát, bảo vệ an toàn quá trình sản xuất nên chưa hề xảy ra mất mát.
Chia sẻ về cách thu gom ốc trong ao nuôi, anh cho biết dùng thuyền nan và vợt để bắt ốc, mỗi ngày thu hoạch 50-70 kg, cao nhất từ 1-3 tạ ốc thịt, nhập cho các nhà hàng ăn uống, khách sạn trong, ngoài huyện: Thị xã Bỉm Sơn, Ninh Bình, Sóc Sơn, Hưng Yên… Khách hàng đăng ký số lượng nhiều, ít có thể đến mua tại ao hoặc vận chuyển tận nơi tiêu thụ. Ốc thịt bán với giá linh hoạt tuỳ từng thời điểm nhưng giá trung bình 80 nghìn đồng/kg (30-35 con/kg). Dịp cuối năm, giáp tết hoặc tại thời điểm khan hiếm như hiện nay giá bán tăng nhẹ, 100 nghìn trở lên/kg.
Năm 2023, trang trại anh tập trung sản xuất ốc thịt thương phẩm đạt mức 10 tấn, trừ chi phí cũng “bỏ túi” từ 500-600 triệu đồng trở lên; ốc giống 50 vạn con/năm đủ giống để thả nuôi và còn bán ra thị trường thu về 150 triệu đồng.
Ngoài ra, trang trại của anh Tuy cũng tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thời vụ người địa phương với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng/người.
Được biết, ở xã Yên Dương hiện có một số người làm trang trại nuôi ốc như hộ anh Phùng Văn Thương ở làng Yên Xá với 1,5 ha đất nuôi ốc thịt thương phẩm, thu nhập từ 100 -120 triệu đồng/năm; ông Tống Văn Quân ở làng Thổ Khối với 3 sào ao nuôi ốc thương phẩm, trừ chi phí cũng lãi 100 – 150 triệu đồng/năm …
Ông Nguyễn Hữu Tỉnh – PGĐ TTDVNN huyện cho biết thêm: “Toàn huyện có 129 hộ nuôi ốc với tổng diện tích khoảng 80 ha, mỗi năm bán ra thị trường một khối lượng lớn ốc thịt, ốc giống thương phẩm, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập kinh tế giúp ổn định và nâng cao đời sống người lao động”. Những mô hình nuôi ốc như vợ chồng anh Tuy, anh Thương,… đã đóng góp một phần nhỏ vào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương./.
Lê Như Cương
Nguồn: Trung tâm khuyến nông Quốc Gia