Thứ Ba, 30/11/2021, 13:30

Nuôi ốc bươu đen trên bể bạt tại xã Xuân Tâm, Huyện Xuân Lộc

Ốc bươu đen sinh sống ở nơi ẩm thấp ao hồ, ruộng nước. Ốc ăn lá non, bùn non (các vi sinh vật trong bùn non). Chúng phát triển mạnh vào đầu mùa mưa, nhất là sau cơn mưa khi trời ửng nắng ốc bươu bò lên bờ ruộng rất nhiều. Ở Việt Nam, mùa khô ốc thường vùi sâu vào đồng ruộng nứt nẻ, khi mưa xuống mới mò ra và sinh sôi nảy nở trên mương ruộng. Ốc sinh sản chủ yếu vào tháng năm. Ốc bươu đen là một trong ba loại ốc đồng phổ biến ở Nam bộ Việt Nam.

Bể nuôi ốc bươu đen bằng xi măng, lót bạt 15 m2

Trở lại vấn đề ốc bươu đen, trong chuyến công tác khảo sát tình hình nuôi thủy sản hồ chứa Gia Ui cuối tháng 10/2021 tại huyện Xuân Lộc, Chi cục Thủy sản tranh thủ thời gian ghé thăm hộ anh Phú tại xã Xuân Tâm – Xuân Lộc, nông dân đang thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen trên bể bạt. Qua thời gian tham quan thực tế và trao đổi thông tin về quy trình nuôi ốc, anh Phú cho biết:

Mô hình anh đang nuôi trên bể xi măng lót bạt diện tích 15m2, nước sử dụng nuôi ốc được anh lấy từ hồ chứa Gia Ui cách đó không xa, mức nước trong bể từ 20 – 30 cm. Trong tháng đầu tiên anh thả 3.000 con ốc giống, đến tháng thứ 2, tiếp tục thả tiếp 3.000 con, nhưng được nuôi trong vèo (bằng vải mùng). Tiếp tục các tháng 3 – 5, mỗi tháng thả tiếp 3.000 con. Sau 05 tháng nuôi, ốc bươu đen đạt kích cở 25 – 30 con/kg, tỷ lệ sống 95 %, anh xuất bán cho các cơ sở hải sản trong huyện, hoặc các huyện lân cận với giá 70 – 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí giống ban đầu 350 đồng/con, khoảng 1 triệu đồng, người nuôi lãi hơn 6 triệu đồng/tháng và tiếp tục thu hoạch vào các tháng kế tiếp.

Cây thủy sinh lục bình, sen giúp mát nước, làm giá thể cho ốc

Chia sẻ thêm kinh nghiệm anh Phú cho biết, do tháng đầu tiên hệ tiêu hóa của ốc gống còn yếu, ốc phải được nuôi dưỡng trong vèo và thức ăn chủ yếu là bèo tấm. Khi ốc từ 1 tháng nuôi trở lên, được đưa thẳng ra ao lót bạt, sử dụng các loại thức ăn như: lá mì, lá bầu, các loại rau,..cho đến khi thu hoạch. Để nâng cao tỷ lệ sống cho ốc, người nuôi chú ý trồng thêm cây thủy sinh như lục bình, sen,.. giúp cho nước trong bể được mát và ốc có giá thể để bám. Mô hình cũng khá đơn giản, nhưng thu nhập khá cao phù hợp cho người dân nhàn rỗi, lao động khởi nghiệp với ít vốn liếng trong tay.

Lý Cần Thành

Chi Cục Thủy sản Đồng Nai

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận