Thứ Năm, 11/07/2024, 11:32

Triển vọng nuôi lươn không bùn

Hình thức nuôi lươn hiệu quả và phổ biến hiện nay là nuôi trong bể không bùn bằng giống nhân tạo. Ưu điểm của mô hình này là thu hoạch đồng đều, chất lượng giống ổn định, tỷ lệ sống cao. Đặc biệt, mô hình này ít tốn diện tích, phù hợp với các hộ dân ít đất sản xuất ở đô thị, vừa dễ áp dụng kỹ thuật vừa cho thu nhập cao.

Không cần nhiều diện tích

Ông Trần Văn Chiến ở khu phố Đức Thọ là một trong những người đầu tiên thực hiện nuôi lươn không bùn trên địa bàn thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước). Năm 2023, ông Chiến bắt đầu với 6 bể nuôi, bình quân mỗi bể từ 2.000-2.500 con. Ông Chiến cho biết, nuôi lươn không bùn đơn giản, phù hợp với những người lớn tuổi về hưu, hoặc gia đình ở đô thị có diện tích đất ít.

Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, lươn đạt kích cỡ thương phẩm, trước khi xuất bán phải để lươn nhịn ăn 1 ngày

Cũng theo ông Chiến, mỗi loại bể nuôi đều có ưu và khuyết điểm riêng. Đối với bể xây, chi phí đầu tư cao, thời gian sử dụng dài nhưng không thể di chuyển; còn bể lót bạt chi phí thấp và có thể di chuyển ở những vị trí khác nhau nhưng nhanh hỏng. Bể có hình chữ nhật, rộng từ 1-2m, dài từ 2-5m, độ sâu tối thiểu từ 0,8-1m. Mỗi bể xây chi phí khoảng 5 triệu đồng, còn bể lót bạt khoảng 2 triệu đồng, phù hợp với những hộ ít vốn đầu tư. Thành và đáy bể cần làm bằng các vật liệu trơn láng, mặt đáy bằng phẳng và hơi nghiêng về phía ống thoát nước. Toàn bộ hệ thống nuôi phải có mái che nhằm hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể làm nhiệt độ nước tăng cao ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của lươn.

Thông thường 1kg lươn giống khoảng 500 con, nuôi từ 8-10 tháng có thể đạt trọng lượng 200g/con. Trong giai đoạn nuôi dưỡng, cần vệ sinh bể nuôi, thay nước 2 lần/ngày trước và sau khi cho ăn để kích thích lươn bắt mồi, cũng như giúp lươn tránh bị vi khuẩn xâm nhập. Ngoài cho ăn bằng cám công nghiệp dành riêng cho lươn, ông Chiến còn nuôi ốc bưu đen cho lươn ăn để bổ sung dưỡng chất. Lươn có tập tính ăn lẫn nhau nên khi được 1 tháng tuổi cần phân loại theo kích cỡ để hạn chế hao hụt. Khi lươn đạt kích cỡ thương phẩm, trước khi thu hoạch phải để lươn nhịn ăn 1 ngày.

Tận dụng nguồn thức ăn thừa của lươn, ông Chiến còn nuôi thêm cá trê và cá rô. Ông Chiến cho biết, thời gian đầu nuôi gặp nhiều khó khăn, lươn hay bị bệnh nấm rồi chết, gây hao hụt nhiều. Tuy nhiên, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay, ông Chiến có thể biết rõ từng giai đoạn phát triển của lươn và còn thí điểm nuôi 300 con sinh sản để chủ động nguồn giống.

Đồng hành với hội viên

Từ hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân thị trấn Đức Phong đã chủ động thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn. Tổ hợp tác có 7 thành viên, mỗi thành viên được Hội Nông dân thị trấn hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng để đầu tư.

Là một trong những thành viên tham gia tổ hợp tác, anh Vũ Minh Tuân ở khu phố Đức Thọ đang nuôi khoảng 10.000 con lươn trong 4 bể lót bạt. Anh Tuân cho biết, trước khi nuôi lươn phải kiểm tra độ pH trong nước. Trong quá trình nuôi phải thay nước 2 lần/ngày để đảm bảo bể nuôi luôn sạch sẽ và mực nước phải canh theo độ tuổi của lươn cho phù hợp. Lươn tới ngày thu hoạch, gia đình anh xuất bán cho thương lái miền Tây, mỗi lần xuất khoảng 1 tấn, với giá bán từ 70-80 ngàn đồng/kg.

Tận dụng nguồn nước thải nuôi lươn, anh Tuân cũng làm hồ nuôi thêm cá trê, cá rô các loại để tăng thu nhập. Theo anh Tuân, mô hình này vừa tận dụng được nguồn thức ăn thừa của lươn vừa tận dụng nguồn nước thải ra môi trường. “Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập. Chúng tôi mong Hội Nông dân thị trấn hỗ trợ ký kết với các cơ sở thu mua để người nuôi có đầu ra ổn định hơn” – anh Tuân chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đức Phong VŨ HÀ CHÂU: Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn là sân chơi cho các hội viên nông dân giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng lươn, cũng như liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các hộ ít đất sản xuất, đồng thời giúp đa dạng hóa đối tượng sản xuất tại địa phương.

Ngọc Quế

Báo Bình Phước