Lợi nhuận tăng
Hiện giá cá mú trân châu được bán ra tại bè với giá 300.000-350.000 đồng/kg, cá bớp giá 220.000-250.000 đồng/kg, mú sao giá 500.000-550.000 đồng/kg, mú sao thiên nhiên 750.000-800.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm năm 2022, mức giá này cao gần gấp đôi giúp người nuôi tăng lợi nhuận, kịp khôi phục sản xuất sau thời gian dài chịu tác động dịch COVID-19.
“Suốt hai năm dịch bệnh, giá cá lao dốc chạm đáy chỉ còn hơn 100.000 đồng/kg nhưng cũng không dễ bán, phải nhờ Hội Nông dân tỉnh giải cứu. Giờ cá tăng giá lại, bà con nuôi cá lồng bè ở đây ai cũng mừng ra mặt vì lợi nhuận tăng từ 40-50% so cùng kỳ năm ngoái”, bà Trần Thị Tươi, một hộ nuôi cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương nói.
Với 15 lồng bè nuôi cá mú trân châu và cá bớp, bình quân mỗi năm bà Tươi có lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Gia đình bà từng là chủ của 6 cặp ghe cào, những năm ngư trường Việt Nam còn dồi dào tôm cá, gia đình bà mỗi năm thu về ngót nghét hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện của 10 năm trước. Từ năm 2013, nhận thấy nghề đánh bắt không còn thịnh như trước, việc khai thác đánh bắt ngày càng chật vật do ngư trường cạn kiệt, gia đình bà Tươi bán hết số ghe cào, chuyển sang đầu tư nuôi cá lồng bè trên biển.
Về thăm xã Nam Du, huyện Kiên Hải những ngày này, không khó bắt gặp hình ảnh mua bán cá tươi tấp nập trên các bè nuôi cá. Tiếng cười nói của các chủ bè, tiếng mặc cả dí dỏm của các chủ ghe thu mua khiến không khí trên các bè thêm phần nhộn nhịp. Xã có 91 hộ nuôi 454 lồng bè, chủ yếu nuôi cá bớp, cá mú sao, cá mú thiên nhiên, sản lượng xuất bán năm 2022 đạt 770 tấn.
Chỉ tính riêng Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa, của xã Nam Du đã có 11 hộ nuôi với số lượng 82 lồng bè nuôi các loại cá như cá mú trân châu, mú thiên nhiên, cá bớp… Bình quân mỗi năm, hợp tác xã này cung ứng cho thị trường với tổng sản lượng hơn 70 tấn cá thương phẩm. Bà Trần Thị Hội, Giám đốc Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa, cho biết: “Nhà tôi có 16 lồng nuôi cá bớp, cá mú chuột và mú sao. Năm nay thời tiết thuận lợi nên cá mau lớn. Tôi nuôi nhiều loại, nhiều thời điểm khác nhau để tránh ùn hàng dội chợ. Hiện cá các loại đạt trọng lượng từ 200-800gram/con. Dự kiến xuất bán thêm đợt nữa tôi thu về lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm”.
Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 3.898 lồng bè nuôi cá trên biển, sản lượng ước đạt gần 3.400 tấn. Ngư trường đánh bắt ở vùng biển Kiên Giang sụt giảm sản lượng nên ngư dân dần chuyển sang nghề nuôi cá lồng bè trên biển và có thu nhập khá. Cá nuôi lồng bè đa số là cá đặc sản, được thị trường tiêu thụ mạnh, trong khi sản lượng cá ít đã đẩy giá cá tăng cao.
Giảm nỗi lo cá bệnh
Theo phản ánh của các hộ nuôi cá lồng bè tại hai huyện Kiên Hải, Kiên Lương, một trong những nguyên nhân khiến sản lượng nuôi trồng cá lồng bè giảm là do cá gặp dịch bệnh. Bên cạnh yếu tố khách quan, một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là người dân bố trí bè nuôi ở khu vực gần khu neo đậu tàu tránh trú bão, chất lượng nguồn nước không đảm bảo khiến cá dễ mắc bệnh và chết.
Bà Trần Thị Hội, Giám đốc Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa, nói: “Cá bớp và mú trân châu những năm gần đây thường nhiễm bệnh và chết bất thường nhưng người nuôi đành bất lực nhìn cá chết, thiệt hại nhiều nhưng cũng chẳng biết cách nào. Năm 2023 này, chúng tôi mạnh dạn cầu cứu Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang ra hỗ trợ xác định nguyên nhân để có giải pháp giúp bà con sống dựa vào nghề nuôi biển sản xuất bền vững hơn”.
Sau khi nhận được phản ánh của những hộ dân nuôi cá lồng bè trên biển, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang mời các chuyên gia, nhà khoa học tiến hành khảo sát thực trạng và xây dựng phương án điều trị nhằm hỗ trợ các nông hộ có các lồng cá bị nhiễm bệnh. Sau quá trình điều trị, tình hình nhiễm bệnh của cá ở các lồng bè đã được kiểm soát và xử lý hiệu quả.
Ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thông tin, thời điểm khảo sát và được báo cáo từ chủ hộ nuôi, 10 lồng bè của chủ hộ, gồm cá bớp, cá mú trân châu trọng lượng từ 600-800gram/con có biểu hiện xuất huyết, lở loét, mủ xuất hiện ở vây, thân, da sần sùi, ăn ít, bắt mồi chậm. Bên cạnh biểu hiện bệnh, một số có dấu hiệu của nhiễm sán và ký sinh trùng, đỉa cá nhiều. Đặc biệt, cá chết nhiều, có thời điểm mỗi ngày chết khoảng 40 con/hộ…
“Sau thời gian điều trị với các chế phẩm sinh học, tình hình bệnh của các lồng cá được xử lý hiệu quả. Đối với các lồng cá bị nhiễm bệnh và chết nhiều, sau 4 ngày xử lý, số lượng cá chết và khờ giảm dần từng ngày và dứt điểm hoàn toàn vào ngày thứ 4 của liệu trình điều trị. Đối với các trường hợp cá bị nhiễm giun sán và ký sinh trùng, sau khi được xổ và xử lý, da cá bắt đầu bóng, bắt mồi nhanh, cá ăn tăng lượng mồi”, ông Lâm Quốc Toàn cho biết.
Các chuyên gia tham gia nghiên cứu và điều trị bệnh trên cá lồng bè của người dân tại xã đảo Hòn Nghệ và Nam Du đã khẳng định, cá chết do bị bọ bám và hút máu, gây vết thương hở. Từ đó cá bị vi khuẩn nấm tấn công dẫn đến bỏ ăn và chết.
Nguyên nhân chính là do con giống không đạt chất lượng, môi trường nước bị ô nhiễm do nguồn nước từ các sông trong đất liền đổ ra mang theo nhiều chất thải. Người nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống và tự chế biến, không đảm bảo chất lượng; việc thả nuôi và chăm sóc của nông hộ chưa đảm bảo đúng quy trình, chưa thực hiện việc tắm cá và xử lý nhiễm bệnh đúng khuyến cáo; mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm…
An Nam
Nguồn: Báo Cần Thơ