Trong vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi các ruộng lúa canh tác kém hiệu quả, bị bỏ hoang sang trồng các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đã không còn xa lạ với người nông dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ruộng sang làm ao bán nổi nuôi cá lại là một hình thức khá mới mẻ, đang được nhiều hộ gia đình tìm hiểu và áp dụng. Đây là một hình thức nuôi cá tốn ít chi phí và đem lại lợi nhuận cao, khẳng định được nhiều ưu thế nổi trội so với nuôi cá trong các ao truyền thống.
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có một số hộ áp dụng thành công phương pháp này, trong số đó phải kể đến hộ gia đình anh Lại Văn Hòa ở thôn Tường An, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư là một trong số những người đi đầu trong việc xây dựng các mô hình nuôi cá trên ao bán nổi, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương nói riêng và toàn Tỉnh nói chung.
Gặp anh Hòa vào một ngày giữa tháng 8, vừa trao đổi, anh vừa tranh thủ cho cá ăn buổi sáng. Ngắm nhìn đàn cá chen chúc nhau trên mặt nước đợi những viên cám bắn ra từ máy cho ăn tự động mới thấy được thành quả ngày hôm nay của anh là hoàn toàn xứng đáng. Với những nỗ lực và sự quyết tâm dám nghĩ, dám làm để thay đổi hình thức nuôi cá từ kiểu nuôi trong ao truyền thống sang một phương thức hoàn toàn mới mẻ, đầy rủi ro nhưng cũng nhiều hứa hẹn.
Theo anh Hòa, ao bán nổi nuôi cá hiện nay của gia đình anh đều được xây dựng trên các chân ruộng trũng, các vùng canh tác lúa kém hiệu quả bị bỏ hoang và khi cần thiết các ao này đều có thể trả về nguyên hiện trạng của ruộng lúa ban đầu. Việc chuyển từ nuôi cá trong ao truyền thống sang ao bán nổi giảm được gần 50% chi phí xây dựng do mỗi ao chỉ cần đào sâu 30 – 50cm, lấy lớp đất này đắp bờ, đổ bê tông xung quanh đảm bảo mực nước sâu từ 2 – 3m là có thể thả cá.
Ưu điểm khác của ao bán nổi đón được nhiều ánh sáng, nhiều gió, tạo sóng, thoát khí tốt; lượng mùn và thức ăn dư thừa phân hủy nhanh, lượng lắng đáy ít do đó hạn chế được bệnh hại, kích thích các sinh vật có lợi phát triển… Đặc biệt, ao bán nổi có thể thả được mật độ cá cao hơn rất nhiều so với ao truyền thống.
Sau 5 năm bắt tay vào chuyển đổi, hiện tại gia đình anh có 8ha đất quy hoạch thành 7 ao trong đó có 4 ao nuôi cá thương phẩm và 3 ao ương cá giống. Toàn bộ ao đều được đầu tư lắp đặt các hệ thống cống cấp, thoát nước, quạt oxy, máy đảo nước, máy cho ăn tự động…
Tổng kết năm 2021, anh Hòa thu được 200 tấn cá các loại như: Cá Chép, cá Rô phi, cá Mè, cá Trôi,… trong đó có 150 tấn cá thịt và 50 tấn cá giống. Tổng chi phí cho cả năm 2021 là 4,8 tỷ đồng; trừ tất cả chi phí, anh thu về được 1,6 tỷ đồng.
Năm 2022, anh nuôi 2 giống cá chính là cá Rô phi và cá Trắm cỏ. Lứa cá hiện tại anh thả từ tháng 4, trong đó: 10 vạn Rô phi và 30 tấn cá Trắm, dự kiến xuất bán vào cuối tháng 9. Anh nuôi theo hướng công nghiệp hoàn toàn, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều với lượng thức ăn là 2 tấn. Với lứa Rô phi hiện tại anh dự kiến thu được 150 tấn, trừ tất cả chi phí sẽ thu về từ 1,4 – 1,5 tỷ đồng.
Với anh Hòa, trong những năm qua, việc nuôi cá ao bán nổi tương đối thuận lợi về điều kiện địa hình cũng như khí hậu ở địa phương. Tuy nhiên, để thành công được như ngày hôm nay anh đã có quá trình đúc rút kinh nghiệm từ những ngày còn làm thuê cho các chủ hộ nuôi cá tại miền Nam, cũng như tích cực tham gia các lớp tập huấn để học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi cá.
Trong quá trình nuôi cá ao bán nổi anh tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật như: Định kỳ bón vôi đảm bảo đúng, đủ liều lượng và loại vôi cần bón, đồng thời kết hợp cho cá ăn thức ăn đảm bảo chất lượng có phối trộn với 1 số khoáng chất, vitamin để tăng thêm sức đề kháng cho cá, đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa. Chính vì vậy, cá trong ao nuôi của anh ít khi bị bệnh, sinh trưởng và phát triển nhanh và khá đồng đều.
Anh tâm sự thêm: “Hiện tại ngoài 8ha đất đang làm ao nuôi cá, anh có thuê thêm gần 10ha của các hộ dân không còn canh tác để cấy lúa; tuy nhiên, thu nhập từ trồng lúa chỉ bằng 1/5 so với nuôi cá nên anh mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện để anh được chuyển đổi tất cả diện tích trồng lúa này sang làm ao bán nổi, mở rộng quy mô nuôi cá tăng thêm thu nhập cho gia đình và có thể tạo thêm công ăn việc làm cho bà con quanh vùng”.
Theo anh Vũ Trọng Hải – Giám đốc Hợp tác xã Tân Hòa, hiện nay trên địa bàn xã đang có hơn 10ha diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang các hình thức trồng trọt và canh tác khác có hiệu quả hơn. Trong đó, hộ của anh Hòa là một tấm gương tiêu biểu trong xã đã chuyển đổi thành công các ruộng lúa bỏ hoang sang mô hình nuôi cá trong ao bán nổi mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Không chỉ chú tâm phát triển mô hình nuôi cá của gia đình, anh Hòa còn nhiệt tình giúp đỡ và tư vấn cho các hộ gia đình có mong muốn được chuyển đổi sang nuôi cá trong ao bán nổi như gia đình anh. Mong rằng các cấp chính quyền luôn quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để gia đình anh Hòa có thể mở rộng quy mô, trở thành hộ có diện tích nuôi cá trong ao bán nổi lớn nhất như niềm mong mỏi của anh bấy lâu nay.