Đồng bào huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) từ nhiều đời nay đã gắn bó với các nghề truyền thống “bới đất lật cỏ”, cần mẫn với ruộng nương, đồi rừng; những năm gần đây nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở ra hướng sinh kế khả quan cho bà con địa phương…
Từ lâu, khi thủy điện Hòa Bình hoàn thành, mực nước dâng trên hồ ổn định, người dân địa phương đã hình thành nghề đánh bắt thủy sản; tuy ban đầu nghề nuôi trồng thủy sản còn manh nha, thậm chí còn lạ lẫm với người dân. Những năm gần đây, huyện Đà Bắc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông lâm, ngư nghiệp, bà con địa phương đã mạnh dạn rời nương để xuống lòng hồ phát triển nghề nuôi cá lồng. Sau mỗi năm, mặt hồ thủy điện Hòa Bình lại đón thêm cả trăm hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Phát huy lợi thế 7.000 ha mặt nước hồ thủy điện, những năm qua, huyện Đà Bắc đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản theo mô hình Hợp tác xã (HTX) và hộ gia đình, góp phần giảm nghèo và làm giàu cho người dân, trong đó, tập trung phát triển mạnh ở các xã ven hồ như: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong…
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Đà Bắc, tính đến năm 2022, toàn huyện có 1.066 lồng cá của 522 hộ dân; sản lượng hàng năm đạt trên 1.000 tấn, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Đến nay, các xã vùng ven hồ Hòa Bình trong huyện tiếp tục duy trì, phát triển mạnh việc nuôi cá lồng, tăng cường công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Các loài cá đặc sản đang được nuôi trồng nhiều ở địa phương hiện nay như: Cá lăng đen; lăng nha; lăng vàng; trắm đen; chiên… Nhằm giúp người dân vùng hồ có kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá để phát triển nuôi bền vững, hạn chế rủi ro, các địa phương có diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện, tỉnh tổ chức hàng chục lớp dạy nghề nuôi cá lồng, hướng dẫn kỹ thuật.
Sản phẩm làm ra thường được tư thương đến mua tại chỗ, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, tiêu thụ sản phẩm ổn định, các xã trên địa bàn còn tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình sản xuất sạch để nâng cao giá trị sản phẩm.
Từ quy mô nuôi trồng ban đầu nhỏ lẻ, đến nay nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản đã đầu tư lớn, xây dựng những trang trại nuôi cá có quy mô và bài bản. Với những hộ nuôi gia đình, hiện đa số cũng đã đầu tư, nâng cấp dùng lồng nuôi loại mới là lồng lưới có thể tích lớn cung cấp hàng trăm tấn cá thương phẩm ra thị trường.
Điển hình như, Công ty TNHH Thủy sản Hưng Nguyên có 112 lồng, sản lượng đạt trên 90 tấn/năm; Công ty TNHH Thương mại Việt Đức 91 lồng đạt 74 tấn; HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Đức Huy 20 lồng đạt hơn 16 tấn; HTX Nông lân thủy sản – Du lịch 30 lồng đạt 24,5 tấn; Công ty Chiều cá Sông Đà 26 lồng đạt 21 tấn; Cơ sở của anh Nguyễn Văn Đại 15 lồng đạt hơn 12 tấn.
Riêng HTX Đà Giang ECO tại xã Tiền Phong, Đà Bắc, Hòa Bình với quy mô 40 lồng đạt 32,6 tấn nuôi cá đặc sản vùng hồ Hòa Bình như: Cá lăng đen; lăng nha; lăng vàng; trắm đen; chiên và một số loại cá phổ thông khác như rô đơn tính, trắm, chép…
Cạnh đó, HTX hiện có 60 là thành viên liên kết (60 lồng) là các hộ nông dân tập trung tại xóm Điêng Lựng, xóm Túp trên địa bàn xã Tiền Phong, cá lồng của thành viên liên kết cũng được nuôi theo quy trình của HTX để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Anh Xa Ngọc Hưng – Giám đốc HTX Đà Giang ECO chia sẻ: Nuôi cá ở lồng ở hồ Hòa Bình có thuận lợi là nguồn nước sạch, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ như cá, tép trên hồ, trồng cỏ, ngô, sắn do HTX tự làm để đảm bảo sạch chuẩn… nên cá thành phẩm thường bán được giá, mang lại lợi nhuận cao.
Theo anh Hưng, HTX đã có xưởng sơ chế được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm Thủy Sản Hòa Bình cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, hệ thống thiết bị và máy móc để phục vụ sơ chế, chế biến tại chỗ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm được đầu tư bài bản. Các sản phẩm của HTX hiện có như: Cá tươi sống, cá sơ chế (cắt khúc, phi lê), cá sông tự nhiên, cá nướng, chả cá, cá khô,… Sau khi sơ chế, chế biến đã đăng ký sử dụng mã vạch và mã QR có truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Ở xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc còn có HTX sản xuất, kinh doanh Nông – lâm – thủy sản xóm Doi duy trì từ 18 – 20 lồng cá, thu nhập bình quân trên 350 triệu đồng/năm, tổ hợp tác xóm Ké duy trì từ 6 – 8 lồng, mang lại nguồn thu 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hộ ở các xã: Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng mạnh dạn đầu tư nuôi từ 4 – 6 lồng cá, mang lại nguồn thu trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Ngoài các doanh nghiệp, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư thêm, chuyển hướng làm ăn, quyết định đầu tư nuôi cá. Với nguồn nước sạch cá nuôi trồng ở đây khỏe mạnh, ít bị bệnh cũng là yếu tố thuận lợi cho mọi người nuôi yên tâm đầu tư, mở rộng nghề cá lồng để mang lại nguồn thu ổn định và mở ra cơ hội làm giàu.
Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đà Bắc cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục xác định việc phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng tập trung, với những loại cá có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường lòng hồ Hoà Bình, đảm bảo các hộ và cơ sở nuôi đều tuân thủ theo quy hoạch. Song song với đó, thu hút đầu tư, hỗ trợ cơ sở nuôi quy mô lớn đã áp dụng công nghệ nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học đúng quy định, nâng cao an toàn thực phẩm, có đánh giá tác động môi trường, đảm bảo cho việc nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình luôn phát triển bền vững./.