Thứ Hai, 8/05/2023, 17:00

Nuôi cá rô đầu vuông sao cho hiệu quả?

Để vụ nuôi đạt hiệu quả cao, người nuôi nên chuẩn bị cẩn thận ở bước chọn giống cá rô đầu vuông ngay từ ban đầu.

Cá rô đầu vuông đang được nuôi nhiều hiện nay vì có nhiều ưu điểm vượt bậc so với cá rô thường. Nếu được nuôi tốt sẽ mang lại rất nhiều lợi nhuận kinh tế nên có thể xem là đối tượng được lòng rất nhiều hộ nuôi.

Cá rô đầu vuông thương phẩm của bà con.
Cá rô đầu vuông thương phẩm của bà con. Ảnh: danviet.vn

Đôi nét về cá rô đầu vuông 

Cá rô đầu vuông, tên khoa học là Anabas testudineus. Trong tự nhiên, cá rô đầu vuông được tìm thấy ở các ao nuôi cá nước ngọt ở tỉnh Hậu Giang và Nam Bộ. Hiện, cá được nuôi ở khắp các tỉnh trên cả miền Nam, Trung và dần phổ biến ở các tỉnh miền Bắc. Về ngoại hình, cá rô  đầu vuông cũng giống cá rô đồng nhưng khi lớn lên đầu có phần to và vuông, mình dài hơi cong, bụng xệ, đuôi dài, vây dày, vẩy có màu vàng sậm, có hai chấm đen ở đuôi.

Ưu điểm của loại cá này, đó là có tốc độ lớn nhanh, kích cỡ lớn, ít bệnh, sức đề kháng tốt mà thịt cũng thơm ngon, bổ dưỡng và sản lượng thịt cao hơn nhiều so với cá rô đồng thuần chủng. Bên cạnh đó, chúng còn có thể chống chịu với thời tiết tốt, chịu được nóng và lạnh. Tuy giá cá rô đầu vuông không cao như cá rô đồng song bù lại năng suất của chúng lại cao hơn rất nhiều.

Cá rô đầu vuông được nuôi rất nhiều nhờ vào thời gian thành phẩm thấp và cực kì dễ nuôi. Ảnh: Nghề nông

Cá rô đầu vuông rất nhanh lớn, trung bình bà con nuôi 4 tháng có thể đạt 6 con/kg. Nuôi trong 7 tháng cá rô có thể đạt kích cỡ 500 – 800g. Thậm chí cá rô đầu vuông có thể đạt trọng lượng lên đến 900g nếu nuôi tốt. Bên cạnh đó, Đây là loài cá dữ, ăn tạp thiên về động vật. Thức ăn cá bao gồm tôm, tép, cá con, sinh vật phù du,.. nên phần nào giúp tiết kiệm chi phí thức ăn.

Thời điểm nuôi 

Là đối tượng tương đối dễ nuôi nên có thể nuôi quanh năm ở khu vực phía Nam. Đối với khu vực phía Bắc thời vụ nuôi tốt nhất là từ tháng 4 trở đi. Nếu người nuôi có kinh nghiệm nuôi thì hoàn toàn có thể nuôi cá rô đầu vuông qua đông để được giá bán cao hơn. Cá từ khi thả nuôi cho đến khi thu hoạch có thời gian từ 4 – 6 tháng.

Tùy vào từng khu vực và kinh nghiệm nuôi sẽ có những khoảng thời gian thả giống khác nhau. Ảnh: baobinhthuan.com.vn

Kích cỡ giống thích hợp 

Cá rô đầu vuông hiện nay đã có thể sinh sản nhân tạo, chính vì thế người nuôi cá rô đầu vuông trong bể bạt nên lựa chọn cơ sở bán giống có uy tín, đảm bảo chất lượng con giống. Để đảm bảo hiệu quả, người nuôi nên chọn loại giống có kích thước 200 – 300 con/kg, lựa chọn con giống có kích thước đồng đều, không xây xát hay khuyết tật, không bơi tách đàn. Trong quá trình vận chuyển cần chú ý cẩn thuận, đảm bảo tránh những tác động mạnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cá giống. Việc di chuyển từ nơi bán đến nơi thả cần được thực hiện sao cho nhanh nhất song phải đảm bảo an toàn.

Để vụ nuôi đạt hiệu quả cao, người nuôi nên chuẩn bị cẩn thận ở bước chọn giống cá rô đầu vuông ngay từ ban đầu.
Để vụ nuôi đạt hiệu quả cao, người nuôi nên chuẩn bị cẩn thận ở bước chọn giống cá rô đầu vuông ngay từ ban đầu. Ảnh: cagiongthiennham.vn

Cách chăm sóc hiệu quả 

Thức ăn cho cá rô đầu vuông nuôi khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, để có thể thâm canh với mô hình nuôi trong bể bạt thì cần sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho cá. Tùy theo kích cỡ mà lựa chọn loại thức ăn có kích thước phù hợp với cá.

Trong tháng đầu tiên và tháng thứ 2 nuôi cá cần sử dụng loại thức ăn có độ đạm từ 30 – 40%. Từ tháng thứ 2 cho đến khi thu hoạch thì sẽ sử dụng thức ăn có độ đạm từ 28 – 30%. Với tháng đầu tiên cho ăn, trọng lượng thức ăn bằng 5 – 7% trong lượng cá trong bể, tháng thứ 2 là 4 – 6% và sau đó từ 3 – 4% trọng lượng cá nuôi.

Thực hiện cho cá ăn 2 lần/ngày. Trong điều kiện thời tiết mát mẻ, thích hợp cho ăn vào buổi sáng và chiều tối. Khi thời tiết nóng hoặc lạnh cũng nên điều chỉnh thời gian cho ăn để phù hợp nhất. Cần thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn trong bể để điều chỉnh cho hợp lí.

Việc nuôi cá rô đầu vuông tuy đơn giản nhưng vẫn cần rất nhiều sự quan tâm, chú ý của hộ nuôi để tránh những dịch bệnh hoặc những sự cố ngoài ý muốn. Ảnh: NTN

Do bản chất là loài ăn tạp, nên lượng chất thải của cá rô đầu vuông tương đối nhiều. Khi nuôi cá rô đầu vuông trong bể bạt việc xử lý chất thải cần được thực hiện thường xuyên. Thông thường, nên thay nước khoảng 5 – 7 ngày/lần, việc thay nước cần kết hợp với dọn phân và chất thải cá để đảm bảo môi trường nước thuận lợi cho cá.

Cá rô đầu vuông là một loài cá có sức chịu đựng khá tốt với môi trường nên ít khi gặp phải bệnh dịch. Tuy nhién, trong quá trình nuôi, chúng vẫn có thể mắc một số bệnh như đen thân, mất nhớt, phình bụng… Khi gặp các bệnh này người nuôi cá rô trong bể bạt cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất cho ao nuôi của mình.

Nhất Linh

Nguồn: tepbac.com