Chế tạo máy ấp trứng lươn chỉ với vài thiết bị dễ tìm cùng với kỹ thuật vận hành đơn giản là mô hình độc đáo của anh Nguyễn Thanh Hải (42 tuổi), ngụ ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Thiết bị này có thể giúp nâng cao sản lượng lươn giống, phục vụ nhu cầu nuôi lương tăng cao hiện nay.
Theo anh Nguyễn Thanh Hải, nguyên liệu làm máy ấp trứng lươn khá dễ tìm, bao gồm 1 chiếc quặng nhựa đường kính 30cm, 1 cái mâm nhựa đường kính 45cm, 15 ống nhựa, 1 máy bơm nước hồ cá mi ni. “Chi phí làm ra 1 máy ấp trứng lươn chưa đến 350.000 đồng. Tuy nhiên, khi áp dụng để ấp, trứng lươn nở đạt tỷ lệ 95%, cao hơn 50% so với kỹ thuật ấp nở ngoài tự nhiên và 30% so kỹ thuật chạy oxy trong chậu trước đây”, anh Hải nói.
Nói về nguyên lý vận hành máy ấp trứng lươn vừa được lắp ráp thành công, anh Hải cho biết, trứng lươn sau khi thu gom vào sẽ được bỏ vào chiếc quặng có nước sẵn. Trứng lươn sẽ được đảo đều trong chiếc quặng được liên kết với bộ phận cấp nước, bằng đường ống nhựa và máy bơm, hợp thành một hệ thống tuần hoàn tạo nguồn nước sạch. Máy bơm nước mi ni vận hành bằng điện sinh hoạt giúp đưa nước lên quặng, tạo thành lực đẩy trộn trứng lươn cho đến khi lươn nở.
Khi tiến hành vận hành máy ấp trứng lươn, cần lưu ý kỹ thuật điều chỉnh van nước sao cho vừa đủ để trứng được đảo đều bằng lực nước mà không bị văng ra ngoài hoặc làm hỏng trứng. Nước thích hợp cho việc ấp trứng phải giữ nhiệt độ ổn định từ 27-28 độ C.
Nhờ đảm bảo về oxy, nhiệt độ đã giúp trứng lươn nở đều, sau đó sẽ tự động tràn qua miệng quặng và ra mâm, cuối cùng theo ống dẫn nước xuống khay đựng phía dưới. Với hệ thống ấp trứng lươn tự chế này, anh Hải có thể tiết kiệm được thời gian do không phải túc trực như cách ấp truyền thống bằng chậu nước có chạy oxy như trước đây từng áp dụng. Bên cạnh đó, anh Hải còn dự phòng một máy phát điện nhằm đảm bảo nguồn điện cho hệ thống ấp trứng vận hành không bị gián đoạn vì cúp điện.
Hiện tại, hệ thống ấp trứng lươn do anh Hải lắp ráp đang hoạt động với công suất hơn 1kg trứng lươn tương đương 10.000 con giống ở mỗi mẻ ấp, với thời gian ấp lý tưởng trong vòng 2-3 ngày. Lươn bột mới nở sẽ được anh Hải chuyển qua khu vực chạy oxy khác và cho ăn trùn chỉ, sau 2 tuần sẽ chuyển lươn ra vèo và cho ăn thức và xuất bán.
Với 5.000 con giống bố mẹ, mỗi tháng anh Hải cung cấp hơn 50.000 con lươn giống cho người dân trong và ngoài xã. Anh Hải cho biết: “Lươn giống loại 500 con/kg bán với giá 4.500-5.000 đồng/con, lươn nhỏ hơn thì giá 3.000 đồng/con. Hiện người dân trong và ngoài huyện Giồng Riềng nuôi lươn rất nhiều nên nhu cầu về con giống rất lớn, sản xuất vẫn chưa đủ cung. Tôi đang cho cải tạo thêm 2 công đất sau nhà để tiếp tục mở rộng quy mô nuôi lươn sinh sản”.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH – BÍCH THÙY
Báo Kiên Giang