Từ việc chỉ quen nuôi các loại cá trắm, chép truyền thống nặng vốn đầu tư cám, giống, gần đây, một số nông dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận với mô hình nuôi tôm càng xanh. Đây là loại thủy sản dễ nuôi, ít chi phí đầu tư, dễ tiêu thụ, giá trị kinh tế cao.
Nhẹ chi phí, dễ nuôi
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chúng tôi tìm về thôn Đá Thượng, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan để thăm mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Lê Như Quỳnh. Trải qua chuỗi ngày rét đậm, rét hại kéo dài, hôm nay, tranh thủ nắng lên, gia đình anh Quỳnh tổ chức thu hoạch tôm bán cho thương lái từ tận Quảng Ninh về mua xuất đi Trung Quốc. Hàng chục người í ới hò nhau kéo lưới rộn rã cả một khoảng ruộng ven sông Hoàng Long, những giỏ tôm nặng trĩu lần lượt được đưa lên bờ trong niềm vui của gia chủ.
Anh Quỳnh thổ lộ: Mấy hôm vừa rồi, nhiệt độ xuống thấp, gia đình tôi cũng lo lắng lắm vì chẳng thấy con nào sủi tăm, chỉ sợ chúng chết hết, nhưng hôm nay thu hoạch sản lượng được thế này là mừng lắm. Điều này chứng tỏ tôm càng xanh có sức sống tốt. Ngay cả việc thu hoạch cũng vậy, mình không nhất thiết phải thu hoạch đồng loạt mà có thể chài mỗi ngày để bắt tôm lớn bán, số tôm còn lại trong ao vẫn sinh trưởng bình thường.
Được biết, anh Quỳnh gắn bó với nghề trồng thủy sản nhiều năm nay nhưng trước đây anh chỉ thả các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép… Vài năm gần đây, việc sản xuất không mấy thuận lợi do giá thức ăn tăng đột biến, trong khi sản phẩm đầu ra khó tiêu thụ, giá bán thấp. Năm 2022, anh thí điểm thả xen ít tôm càng xanh vào nuôi chung với cá, thấy hiệu quả cao nên năm nay anh quyết định chuyển sang nuôi chuyên tôm. Trên diện tích 1,6 ha, anh thả 10 vạn con tôm giống. Nhờ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ một phần giống, cám, chỉ dẫn tận tình về kỹ thuật phòng bệnh, chăm sóc cho con tôm trong suốt quá trình nuôi. Bởi vậy, tỷ lệ sống cao, sau 6 tháng nuôi đến nay tôm đạt kích cỡ 20 con/1 kg, sản lượng ước khoảng 2 tấn. Với giá bán là 200 nghìn đồng/1kg, sau khi trừ chi phí, anh Quỳnh thu lãi gần 200 triệu đồng.
“Ngoài việc dễ nuôi, nuôi tôm càng xanh còn có ưu điểm là không mất nhiều công chăm sóc, không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn công nghiệp vì có thể tận dụng nguồn thức sẵn có để bổ sung cho tôm, như: cám gạo, cá tạp, ốc …” – anh Quỳnh chia sẻ.
Giống như anh Quỳnh, anh Đinh Văn Tính là một nông dân kỳ cựu trong nuôi thủy sản ruộng trũng ở xã Gia Minh, huyện Gia Viễn. Tuy nhiên, vài năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá cám tăng cao nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Trăn trở phải chuyển đổi nuôi con gì để thành công? Cuối cùng sau nhiều lần tính toán anh quyết định chuyển một phần ao cá sang nuôi tôm càng xanh.
Anh Tính chia sẻ: Tôi chọn nuôi tôm càng xanh vì đây là con nuôi có giá trị kinh tế cao, thị trường đầu ra thuận lợi. Đặc biệt, tận dụng rất tốt nguồn thức ăn tự nhiên, chi phí giống, cám tính ra chỉ bằng 1/3 nuôi con cá. Năm 2022, tôi thí điểm thả ghép 1,5 vạn giống vào ao cá trắm, tổng chi phí giống thức ăn chỉ khoảng 40 triệu đồng nhưng bán được 90 triệu đồng, thu lãi 50 triệu đồng. Năm nay, được Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại (Sở Nông nghiệp & PTNT) cung cấp nguồn giống uy tín, chỉ dẫn kỹ thuật nuôi một cách bài bản, khoa học nên tôi tự tin thả 5 vạn giống. Đến thời điểm này chưa thu hoạch nhưng chắc chắn sản lượng, giá trị sẽ cao hơn năm ngoái.
Tiềm năng nhân rộng
Khi được hỏi về dự định năm 2024, cả anh Quỳnh và anh Tính đều cho biết sẽ tiếp tục lấy con tôm càng xanh làm con nuôi chủ lực; đồng thời sẽ chuyển giao kỹ thuật cho một số hộ nuôi thủy sản khác trong huyện, từ đó tạo tiền đề để xây dựng thành một tổ hợp tác nuôi tôm để việc gắn kết tiêu thụ thuận lợi hơn.
Về góc độ chuyên môn, đồng chí Phạm Duy Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon, ít calo, rất tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Không khó nuôi như tôm sú hay tôm thẻ, con tôm càng xanh có thể sống khỏe ở cả vùng ngọt và vùng lợ. Không những vậy, tôm càng xanh còn có thể nuôi luân canh, xen canh với cây lúa hoặc nuôi chuyên canh đều cho kết quả tốt. Đặc biệt, đây là loại thủy sản ăn tạp, nó có thể tận dụng tốt nhiều thức ăn có sẵn trong tự nhiên như các loại nguyên sinh động vật, giun nhiều tơ, giáp xác, côn trùng, nhuyễn thể, các loài tảo, mùn bã hữu cơ… nên chi phí thức ăn để nuôi tôm càng xanh thấp hơn nhiều so với nuôi cá.
“Con tôm càng xanh là con nuôi thủy sản sáng giá để phát triển nuôi tại các địa phương trong thời gian tới, đặc biệt là các vùng sản xuất 1 vụ lúa – 1 vụ cá như ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp, nhằm sản xuất thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định và nâng cao thu nhập cho nông dân” – đồng chí Phạm Duy Phú nêu quan điểm.
Tuy nhiên, để nuôi thành công tôm càng xanh, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại khuyến cáo: Người nông dân cần chọn nguồn giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín và nên ương dưỡng con giống trước khi thả phóng ra ao, ruộng. Thời gian thả nuôi tốt nhất từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm để tránh ảnh hưởng của nhiệt độ lạnh vào mùa đông, còn nếu vẫn muốn nuôi qua đông thì phải có ao sâu 2-3 m nước. Quá trình cải tạo ao nuôi phải rất chú ý đến việc diệt cá tạp, cá dữ và các loại địch hại khác để tránh hao hụt. Bên cạnh đó, có 2 bệnh cơ bản trên tôm càng xanh là tôm đóng rong và tôm đen mang, nguyên nhân là do dinh dưỡng kém, chất lượng nước không tốt, nền đáy bị bẩn. Cách khắc phục đơn giản bằng việc thay nước, bón vôi và tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng.
Như vậy, với một đối tượng nuôi mới nhiều tiềm năng như con tôm càng xanh, thời gian tới, từng địa phương cần lựa chọn mô hình phù hợp và kịp thời tổ chức sản xuất, đầu tư hạ tầng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, một vấn đề không kém phần quan trọng là phải có giải pháp giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Vì phần lớn tôm càng xanh hiện nay mới chỉ tiêu thụ tươi sống ở thị trường trong nước chứ chưa được đưa vào nhà máy chế biến, xuất khẩu.
Nguyễn Lựu
Báo Ninh Bình