Nhằm giảm phát thải nhà kính cho ngành hàng cá tra, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã có nhiều chương trình hợp tác với các nhà khoa học, đối tác trong và ngoài nước.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, thành phố hiện có 207 hộ và doanh nghiệp nuôi cá tra, trong đó diện tích ao nuôi của doanh nghiệp chiếm 22%.
Thời gian qua, giá cá tra biến động lớn, hầu hết các hộ nuôi có lợi nhuận thấp, thậm chí từ tháng 5/2023 đến nay nhiều hộ rơi vào tình trạng thua lỗ. Do vậy, chi phí đầu tư công nghệ mới để xử lý môi trường trở thành thách thức lớn.
Để hỗ trợ hộ nuôi, ngành nông nghiệp thành phố đã thực hiện quan trắc môi trường. Đặc biệt, năm 2022 ngành đầu tư hệ thống quan trắc tự động để kịp thời thông báo những biến động về chất lượng nguồn nước đến các hộ nuôi, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT thành phố cũng phối hợp với các đơn vị khác như trạm quan trắc môi trường của Trung tâm quan trắc môi trường thủy sản Nam bộ – Viện nuôi trồng thủy sản II; Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT)… chia sẻ thông tin về chất lượng nguồn nước và kịp thời thông báo đến cho các hộ nuôi cá tra.
Thông tin về định hướng khai thác nguồn chất thải trong nuôi trồng thủy sản của thành phố, ông Phạm Trường Yên cho biết, tại TP Cần Thơ nước thải được xử lý bằng cách đưa qua các ao lắng, sau đó, cô cạn để làm phân bón cho cây trồng, hoặc xử lý cho một số mục đích khác.
Ngành NN-PTNT còn phối hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu xử lý bùn thải. Trong xử lý bùn thải, khó nhất là vấn đề cô cạn bởi trong bùn thải vừa có bùn, vừa có nước và hàm lượng dinh dưỡng phân bố không đồng đều trong các tầng khác nhau. Để chuẩn hóa bùn thải trở thành nguồn nguyên liệu phân bón cho cây trồng đòi hỏi phải trải qua quá trình xử lý công nghiệp. Ngoài phối hợp với các viện, trường trong nước, ngành NN-PTNT còn phối hợp với các tổ chức nước ngoài để tìm những giải pháp. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp đặt vấn đề thu bùn thải để sản xuất phân bón.
Sau khi quy hoạch tích hợp của TP Cần Thơ được phê duyệt, trong đó có những định hướng cũng như giải pháp mà ngành tập trung ưu tiên, nhất là khu sản xuất giống cá tra tập trung, trong đó đầu tư những tiến bộ khoa học công nghệ vào quy trình nuôi cá, tiếp tục giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền giúp hộ nuôi hiểu được những pương thức, giải pháp giảm được phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã ký hợp tác với Trường ĐH Cần Thơ hợp tác giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất, trong đó có cá tra. Ngoài nâng cao chất lượng thành phẩm xuất khẩu, sản xuất cá tra cần đảm bảo vấn đề môi trường, an toàn dịch bệnh và trách nhiệm với xã hội để nâng cao vị thế cạnh tranh mặt hàng sản phẩm cá tra cũng như tiêu thụ được uy tín, thuận lợi hơn.
Thời gian tới, ngành NN-PTNT TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện hợp tác ngoài nước như: Hiệp hội nước Hà Lan về quản trị nguồn nước, sử dụng nguồn nước lâu dài, hiệu quả, bền vững và thích ứng. Hướng khác, ngành cũng phối hợp với tỉnh Hirosima (Nhật Bản) trong xử lý bùn thải, sử dụng than sinh học để đưa vào nông nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính.
Đối với định hướng sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, ngành NN-PTNT TP Cần Thơ xác định sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để phụ phẩm trở thành đầu vào cho ngành khác gia tăng giá trị cao hơn.
Ngoài ra, ông Phạm Trường Yên cũng nói thêm, ngành hàng cá tra hiện nay đang gặp khó khăn về vốn, kể cả doanh nghiệp cũng gặp khó. Giải pháp khả thi trong tình thế này là hợp tác công tư để cùng nhau giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu này.
Minh Đảm
Báo Nông nghiệp