Thứ Tư, 18/09/2024, 15:32

Mô hình RAS-IMTA: Nuôi đa loài tuần hoàn mang lại giá trị cao

 

(Aquaculture.vn) – Nuôi tôm theo mô hình RAS-IMTA là phương pháp tận dụng chất thải của loài tôm làm thức ăn cho các loài vật khác trong cùng một ao nuôi. Qua đó, mô hình này không chỉ giúp làm sạch môi trường nước một cách tự nhiên mà còn cho phép nuôi nhiều loài vật cùng lúc trên cùng một diện tích ao canh tác.

IMTA là gì?

Nuôi trồng thủy sản đa dinh dưỡng tích hợp (Integrated Multi-Trophic Aquaculture – IMTA) là một hình thức nuôi trồng thủy sản tiếp cận theo hướng khuyến khích quản lý môi trường hiệu quả hơn trong khi vẫn tăng lợi ích kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản và cộng đồng.

Nuôi trồng thủy sản đa dinh dưỡng tích hợp (sau đây gọi tắt là IMTA) là một phương pháp tiếp cận khác về sản xuất thực phẩm thủy sản dựa trên khái niệm tái chế (recycling). Thay vì chỉ thực hiện nuôi đơn loài (monoculture – độc canh) và tập trung chủ yếu vào nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của loài đó, IMTA theo hướng tạo ra một môi trường nuôi (khu nuôi) tiếp cận tương tự nhất có thể một hệ sinh thái tự nhiên bằng cách kết hợp việc nuôi nhiều đối tượng loài bổ sung từ các cấp dinh dưỡng khác nhau của chuỗi thức ăn (ví dụ, một mô hình IMTA kết hợp nuôi cá với động vật không xương sống như vẹm, hải sâm và rong biển tạo thành một cụm gần nhau để tạo lợi ích của từng loại nuôi và môi trường).

Có thể nói, khi được triển khai một cách chiến lược, IMTA có thể đa dạng hóa sản lượng trang trại và mang lại lợi ích cho hệ sinh thái như chất lượng môi trường được cải thiện.

IMTA hoạt động theo nguyên lý thực hiện nuôi trồng các đối tượng theo cách tiếp cận cho phép thức ăn thừa, chất thải, chất dinh dưỡng và sản phẩm phụ của một loài được lấy lại và chuyển đổi như là sản phẩm hữu ích, thức ăn và năng lượng cho sự phát triển của các loài khác.

Về cơ bản, các loài khác nuôi kết hợp trong mô hình IMTA hoạt động như là các bộ lọc sống. Ngoài khả năng tái sử dụng các sản phẩm phụ và thức ăn dư thừa, các loài nuôi kết hợp trong mô hình IMTA cũng được lựa chọn vì giá trị kinh tế như là sản phẩm thị trường, mang lại thêm lợi ích kinh tế cho người nuôi.

RAS là gì?

Recirculation aquaculture system (RAS) là công nghệ xử lý nước tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản, là một công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản, giúp tiết kiệm nước và giảm thiểu tác động đến môi trường.

RAS là một hệ thống tuần hoàn, trong đó nước được tái sử dụng trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Đầu tiên, nước được lọc để loại bỏ các chất bẩn và vi khuẩn. Sau đó, nước được đưa vào hệ thống nuôi trồng thủy sản, nơi tôm, cá và các loại thủy sản khác được nuôi và phát triển. Khi nước chứa chất bẩn, chất độc hoặc chất dinh dưỡng quá nhiều, nó được đưa vào một hệ thống xử lý nước thải để loại bỏ các chất này. Cuối cùng, nước được đưa trở lại hệ thống nuôi trồng thủy sản.

Hệ thống RAS cho phép người nuôi kiểm soát chặt chẽ môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và tăng trưởng đều đặn của tôm, cá.

Sự kết hợp giữa RAS-IMTA

Tại hội thảo nuôi trồng thủy sản được tổ chức tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày 14/8/2024, TS. Nguyễn Nhứt, Viện Nuôi trồng thủy sản 2, đã có bài chia sẻ về mô hình nuôi với sự kết hợp giữa RAS-IMTA, mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và môi trường.

Nguyên lý của công nghệ RAS-IMTA (Nguồn: TS. Nguyễn Nhứt)

 

Theo TS. Nhứt, mô hình kết hợp này giúp ngành tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, giảm chi phí sản xuất, từ đó mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi. Không những vậy, đây là mô hình dễ ứng dụng, có thể đa dạng sản phẩm trong trang trại, không xả thải, ít gây ô nhiễm. Với những lợi ích mà nó mang lại, kết hợp với việc đáp ứng nuôi kinh tế tuần hoàn, giảm hiệu ứng nhà kính, đây được cho là mô hình tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản ở bối cảnh hiện tại.

Tuy nhiên, RAS-IMTA vẫn còn những khó khăn cần được nghiên cứu để giải quyết như cần lựa chọn những loài nuôi phù hợp, diện tích trang trại đủ lớn, hiểu rõ cơ chế hoạt động và cuối cùng là khó tiếp cận thị trường đầu ra cho sản phẩm phụ.

Nguyên lý của RAS-IMTA dựa trên đặc tính ăn và tiêu hóa, yếu tố an toàn sinh học, hiệu suất khử của mỗi loài. Bên cạnh đó, cần phải tính toán dựa trên chất lượng nước yêu cầu của loài nuôi chính cũng như tách biệt riêng từng phần.

Nguyên lý của các mô hình ứng dụng RAS-IMTA (Nguồn: TS. Nguyễn Nhứt)

Các loại động vật nuôi được chọn trong mô hình RAS-IMTA cần đảm bảo phù hợp về đặc tính ăn mồi, phù hợp về mặt dinh dưỡng (yêu cầu dinh dưỡng thấp), không lây truyền bệnh cho đối tượng nuôi chính (không lây nhiễm chéo), khả năng sử dụng chất thải cao, đảm bảo đầu cung về nguồn giống, thích ứng với điều kiện nuôi chung và khống chế được vật chủ gây bệnh.

TS.Nhứt cũng đã chỉ ra những mô hình RAS-IMTA đã được ứng dụng thành công tại nhiều địa phương trên cả nước.

Với RAS-IMTA nuôi 3 giai đoạn, đây là mô hình dễ ứng dụng, hạn chế nhiệt độ nước tăng cao nhờ rong nuôi kết hợp. Mô hình nuôi này không xả thải, giúp tiết kiệm nước và bền vững môi trường. Đặc biệt, mô hình tái tạo thành nhiều sản phẩm có giá trị như: cá, rong với quy mô hàng hóa.

Kết quả cho thấy, mô hình cho năng suất cao, đạt 60 tấn/ha/vụ nuôi. Hệ số FCR thấp (1.1). Mô hình này đã được đáp ứng đa chứng nhận, và thích ứng với biến đổi khí hậu

Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn RAS-IMTA, tôm nuôi đạt năng suất 60 tấn/ha/vụ, hệ số FCR đạt 1.1. Tôm nuôi về kích cỡ 30 con/kg, với chi phí sản xuất khoảng 80.000 đồng/kg.

Những kết quả trên đã khẳng định rằng, mô hình RAS-IMTA là mô hình thích hợp cho bối cảnh mới với tỷ lệ thành công cao, giảm chi phí sản xuất từ đó tăng năng suất cạnh tranh. Song song đó, RAS-IMTA cũng đảm bảo được yếu tố môi trường, củng cố sự bền vững của ngành tôm Việt Nam. Hiện, đã có nhiều mô hình RAS-IMTA được ứng dụng thành công trên toàn quốc.

Vũ Hải