Thái Bình có lợi thế 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, có bốn con sông lớn và nhiều hệ thống sông ngòi chảy qua là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhu cầu sử dụng thực phẩm thủy sản của nhân dân trong và ngoài tỉnh lớn. Xu hướng dịch chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ tăng dẫn đến tình trạng một số địa phương nông dân bỏ ruộng hoang.
Ao bán nổi là hình thức đào ao trên đất trồng lúa hiệu quả thấp, bờ được tôn cao trên 1,5 m để chứa và giữ nước, phần bán âm được đào sâu 1,2 m, phần bán dương (bán nổi) là mặt ruộng. Hiện nay, mô hình nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
1. Lợi ích nuôi thủy sản trong ao bán nổi
Nuôi thủy sản trong ao bán nổi là phương thức nuôi phù hợp với tình hình thực tế hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh. Phương thức đào ao bán nổi đơn giản, kinh phí đầu tư thấp, đối tượng và hình thức nuôi thủy sản ao bán nổi đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế; phương thức sản xuất có thể kết hợp truyền thống với công nghệ mới để tạo ra sản phẩm hữu cơ, an toàn thực phẩm, cân bằng hệ sinh thái, hạn chế ô nhiễm môi trường...
Nuôi thủy sản trong ao bán nổi mặt nước rộng, thoáng, khả năng tự cung cấp ôxy cao, dễ thu hoạch, giảm chi phí nhân công và hóa chất trong quá trình cải tạo ao
Do độ sâu của ao bán nổi từ 1,8 – 2,5 m nên có thể nuôi cá với mật độ cao hơn các ao thông thường, vì vậy tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích.
2. Thiết kế ao bán nổi
Địa điểm bố trí ao bán nổi: Gần sông hoặc kênh mương trục chính, thuận tiện cấp thoát nước phục vụ sản xuất; xa khu dân cư, khu công nghiệp; có đường giao thông, điện sản xuất thuận tiện. Quy mô cơ sở nuôi tối thiểu 01 ha; quy mô ao nuôi tối thiểu 3.000m2/ao, thuận lợi cho việc cấp thoát nước, dễ chăm sóc, quản lý và thu hoạch.
Đào tối đa 20% diện tích, sâu không quá 120cm, sử dụng 100% đất đào để đắp bờ cao hơn so với mặt ruộng khoảng1,5m (cao hơn so với mực nước cao nhất trong năm khoảng 0,5m). Đường trục chính bờ vùng rộng khoảng 5m, đường bờ ao nuôi rộng khoảng 2,5m (đất đào 01 ha = 2.000m2x 1,2m = 2.400 m3/ha).
Vật liệu: Sử dụng vật liệu nhẹ, dễ lắp ghép, như bạt HDPE để lót bờ ao; ống nhựa PVC hoặc HDPE để cấp, thoát nước; máy quạt nước để cung cấp ôxy cho cá.
Phương pháp lót bạt ao bán nổi: Ao 3.000m2 (chiều dài 100m, chiều rộng 30m).
+ Bạt lót giữa bờ: Xẻ dọc một đường giữa mặt bờ xung quanh ao, chiều cao khoảng 2,5m, chôn bạt sâu xuống chân bờ ao khoảng 0,5m và trùm quá mặt bờ 0,5m có tác dụng tránh lỗ hở, ngăn nước không bị thẩm thấu, rò rỉ ra ngoài, diện tích bạt lót giữa bờ ao = L 260m x R 2,5m = 650m2.
+ Bạt phủ mặt trong bờ ao: Chôn bạt sâu khoảng 50 cm xuống chân mặt ruộng và phủ quá lên mặt bờ khoảng 50 cm để chống sạt lở bờ, ngăn cách với môi trường, dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào ao nuôi, diện tích bạt xung quanh mái trong bờ ao = L 260m x R 3,1m = 806m2.
3. Kỹ thuật nuôi thủy sản ao bán nổi
Quy trình kỹ thuật: Theo quy trình nuôi được áp dụng theo từng đối tượng nuôi được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn.
Đối tượng nuôi: Cá truyền thống, cá có giá trị kinh tế (cá chép V1, cá rô phi đơn tính, trắm cỏ, rô đồng, ếch, tôm càng xanh, ốc nhồi…; đối với vùng nhiễm mặn nuôi rươi, rạm, cáy…).
– Hình thức nuôi:
+ Hình thức 1: Nuôi chuyên canh thủy sản (đắp bờ, dâng nước nuôi 100% diện tích đối với các vùng trũng, thấp thường xuyên ngập nước).
+ Hình thức 2: Nuôi kết hợp thủy sản – lúa hoặc 01 vụ lúa, 01 vụ thủy sản.
KS. Bùi Văn Trụ
Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình