Thứ Tư, 12/04/2023, 11:00

Khởi nghiệp bằng nuôi lươn không bùn

Người dân địa phương đến thăm quan, học tập mô hình nuôi lươn của gia đình anh Quang.

Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế đang được nhiều hộ nông dân áp dụng vì không yêu cầu diện tích lớn, kỹ thuật lại đơn giản, sản phẩm đã và đang được mở rộng tiêu thụ ở thị trường ngoài nước. Nắm bắt được điều này, anh Trần Văn Quang, ở xóm Phụ Cấp, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn đã chọn mô hình nuôi lươn sinh sản, thương phẩm kết hợp để khởi nghiệp.

Người dân địa phương đến thăm quan, học tập mô hình nuôi lươn của gia đình anh Quang.
Người dân địa phương đến thăm quan, học tập mô hình nuôi lươn của gia đình anh Quang.

Nhiều năm lao động bên Hàn Quốc, sau khi về nước, Trần Văn Quang tiếp tục đi làm phiên dịch cho một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam với mức thu nhập mà không ít người mơ ước. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của anh Quang vẫn là được sống gần vợ con, gia đình và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Bởi vậy, anh thường dành thời gian đi thăm quan, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sau một thời gian nghiên cứu, anh xác định lươn chính là đối tượng nuôi có thể giúp mình khởi nghiệp, làm giàu.

Anh Quang chia sẻ: Tôi nhận thấy lươn có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất. Thịt lươn được sử dụng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn lại có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi. Bởi vậy nhu cầu thị trường cả trong và ngoài nước đối với sản phẩm này là rất lớn. Trong khi đó, kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, yêu cầu về diện tích không lớn.

Nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư, anh Quang bàn với vợ không tự làm mà bỏ hẳn kinh phí ra để mua công nghệ từ một cơ sở sản xuất lươn có kinh nghiệm lâu năm ở bên tỉnh Nam Định. Trên diện tích 1 mẫu, anh phân chia thành các khu vực chuyên biệt khác nhau, từ khu xử lý nước đến khu sinh sản, khu nuôi thương phẩm. Đồng thời, tất cả việc sản xuất đều được lắp đặt thiết bị theo dõi, điều khiển từ xa vô cùng tiên tiến.

Lứa lươn đầu tiên được thả nuôi vào năm 2021 với số lượng 1 vạn con. Do thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật nuôi thả nên ngay năm sau, gia đình đã thu hoạch được 1 tấn lươn thương phẩm và 5 vạn con giống. Với giá bán khoảng 140- 150 nghìn đồng/1kg lươn thương phẩm và 5,5 -6 nghìn đồng/1 con lươn giống. Sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng.

“Trong quá trình nuôi mới biết thời tiết miền Bắc rất khó khăn, mùa hè thì nóng quá, mùa đông thì lạnh quá, không phải như thời tiết miền Nam lúc nào cũng ổn định, thuận lợi cho việc chăn nuôi. Vì thế, vụ nuôi đầu tiên, gia đình đã gặp không ít khó khăn trong cách chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên nhờ linh hoạt trong cách xử lý nên kết quả vẫn rất tốt. Dự tính với kinh nghiệm tích lũy được, năm 2023 này sản lượng lươn của trại có thể tăng lên 15 vạn con giống và 5 tấn lươn thương phẩm” – anh Quang phấn khởi thông tin.

Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn và chui rúc nên khi nuôi lươn không bùn, vợ anh Quang đã làm các giá thể bằng dây nilon đen để tạo môi trường tối ưu cho lươn phát triển.
Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn và chui rúc nên khi nuôi lươn không bùn, vợ anh Quang đã làm các giá thể bằng dây nilon đen để tạo môi trường tối ưu cho lươn phát triển.

Hiện nay, ngoài bán lươn thương phẩm, cơ sở của anh Trần Văn Quang còn là địa chỉ cung cấp nguồn lươn giống uy tín, đảm bảo chất lượng cho bà con. Nhiều người dân đã đến học hỏi và được anh tận tình hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Theo anh Quang, nuôi lươn muốn đạt hiệu quả cao phải tập trung hoàn chỉnh 4 yếu tố quan trọng nhất: Một là phải có con giống khỏe mạnh, xuất xứ rõ ràng. Hai là nguồn nước phải bảo đảm hợp vệ sinh, mỗi ngày phải thay nước ít nhất là 4 lần, trước và sau mỗi lượt cho ăn. Đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian, kinh phí và nhân công. Ba là phải bố trí thức ăn phù hợp với độ tăng trưởng của lươn. Ngoài cám công nghiệp cần bổ sung thêm thức ăn là trùn quế, các loại vitamin, và khoáng chất. Bốn là xây dựng bể nuôi phù hợp với từng loại: Lươn bố mẹ, lươn giống, lươn thịt, không nên sử dụng lẫn lộn các bể nuôi.

Đánh giá về mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Quang, anh Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Mỹ cho biết: Anh Quang là một người mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm; trong quá trình phát triển kinh tế luôn tính toán rất tỉ mỉ, khoa học. Thành công của anh Quang không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời khích lệ tinh thần khởi nghiệp, làm giàu cho nhiều người dân khác trong xã. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ giới thiệu và nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn của anh Quang cho nhiều người dân khác học tập, làm theo.

Nguyễn Lựu

Nguồn: Báo Ninh Bình điện tử