Thứ Bảy, 20/11/2021, 14:15

Hòa Bình: Dân lao đao vì giá cá đặc sản sông Đà giảm, hàng chục tấn cá nằm lồng “ngóng” thương lái

Từ đầu năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với giá cám tăng cao, các hộ nuôi cá lồng trên sông Đà của HTX dịch vụ thủy sản Bình Thanh, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay, giá cá đặc sản như: cá lăng giảm chỉ còn 60.000 đồng/kg, cá trắm đen 90.000 đồng/kg…

Nuôi cá đặc sản “báo” lỗ hơn 1 tỷ đồng

Ngồi trên con thuyền chạy máy dầu, anh Đinh Văn Linh, Giám đốc HTX dịch vụ thủy sản Bình Thanh đưa tôi đến một số hộ nuôi cá lồng của HTX. Anh bảo: “Năm nay, HTX thông báo con số âm. Do dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thu chậm, cùng với dịch bệnh xảy ra trên cá nên dự kiến thua lỗ từ 1 đến 1,2 tỷ”.

Anh Đinh Văn Linh, Giám đốc HTX dịch vụ thủy sản Bình Thanh, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với giá cám tăng cao, năm 2021 HTX dự kiến thua lỗ từ 1 đến 1,2 tỷ đồng. Ảnh: Bình Minh

Bình Thanh và Thung Nai là 2 xã nằm giáp nhau và được biết đến với nghề nuôi cá lồng trên sông Đà của tỉnh Hòa Bình. Trong nhiều năm qua, dựa vào mặt nước rộng lớn trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều hộ dân thả lồng nuôi nhiều loài cá đặc sản như: lăng, chiên, trắm đen, trắm cỏ, măng…

Đặc biệt, Thung Nai là xã nổi tiếng với điểm du lịch trên lòng hồ của tỉnh Hòa Bình. Khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, thì cá lồng của người dân 2 xã này thường xuyên cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch.

Nhưng đến Bình Thanh, Thung Nai những ngày nay, không khí đìu hiu, ảm đạm và buồn tẻ bởi vắng bóng khách du lịch. Cũng vì đó, thu nhập của người nuôi cá lồng đây gặp nhiều khó khăn.

Anh Linh chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi thua lỗ từ 120 – 150 triệu đồng”. Ảnh: Bình Minh

Được thành lập tháng 3/2020 với 20 thành viên và có khoảng 100 lồng nuôi cá. Thế nhưng chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động số thành viên của HTX dịch vụ thủy sản Bình Thanh ngày càng “teo tóp” chỉ còn 15 hộ.

Anh Linh buồn bã chia sẻ: “HTX mới được thành lập nhưng đúng với thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh. Hơn 1 năm nay, thị trường tiêu thụ cá lồng của HTX rất bí đầu ra, vận chuyển đi Hà Nội và các tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Đâu đó mới có một đoàn khách du lịch đến, nhà hàng gọi đặt chỉ vài con, trong khi hàng chục tấn cá vẫn nằm trong lồng “ngóng” thương lái đến mua”.

Hiện nay, gia đình anh Linh cũng đang có 16 lồng, thả nuôi cá lăng, trắm đen và trắm cỏ. Anh nói nhỏ với tôi rằng, năm nay anh thua lỗ cỡ 120-150 triệu đồng.

Trong khi đó, tiền vay ngân hàng vẫn chưa trả hết, hàng tháng vẫn phải đóng lãi. Bên cạnh đó, giá thức ăn cho cá đã tăng chóng mặt từ 240.000 đồng/bao 25kg (năm 2020) lên 320.000 đồng/bao 25kg như hiện nay khiến anh Linh và nhiều hộ nuôi cá lồng của HTX kiệt quệ về vốn.

Anh Đỗ Văn Thuật, thành viên HTX dịch vụ thủy sản Bình Thanh cho biết, thị trường tiêu thụ cá lồng năm nay rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Bình Minh

Người nuôi cá đặc sản khổ quá

Trò chuyện với tôi, anh Đỗ Văn Thuật, thành viên HTX dịch vụ thủy sản Bình Thanh cho biết, hiện tại anh có 8 lồng, nuôi chủ lực cá lăng đen. Mỗi năm thu nhập 150 triệu đồng/năm. Dự kiến, năm nay, tổng sản lượng khoảng 4 tấn cá.

“Năm nay, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ. Hôm rồi, chầy chật mãi mới gặp được khách nên tôi xuất bán ngay cá lăng đen với giá 70.000 đồng/kg. Nếu như các năm trước giá cao hơn, từ 80.000 – 90.000 đồng/kg”, anh Thuật chia sẻ.

Theo anh Thuật, cá lăng đen có thời gian nuôi dài, lên tới 25 tháng. Chi phí đầu tư tiền thức ăn, công chăm sóc bỏ ra tương đối lớn. Nhưng đến thời kỳ xuất bán thì giá lại giảm. Để có vốn nuôi cá lồng, anh vay vốn 200 triệu đồng từ ngân hàng, đến nay vẫn chưa trả hết.

Được thành lập tháng 3/2020, nhưng sau 1 năm đi vào hoạt động, thành viên của HTX dịch vụ thủy sản Bình Thanh đã “teo tóp”, giảm xuống còn 15 thành viên. Ảnh: Bình Minh

Với 24 lồng nuôi cá chiên, lăng, trắm đen, anh Hà Mạnh Tâm, xã Thung Nai cũng buồn rầu cho biết, gia đình anh đầu tư nuôi cá lồng kết hợp làm bè nổi, xây nhà hàng trên sông để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, anh còn đầu tư 1 thuyền giá trị 800 triệu đồng để đưa khánh thăm quan các điểm du lịch ở Thung Nai. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, khách du lịch ít ỏi nên cá vẫn nằm lồng, nhà hàng nổi thì đóng cửa, thuyền nằm bờ cả vài tháng nay.

“Để có thể phục vụ chu đáo nhất mỗi khi có khách du lịch, tôi đã đầu tư, sửa sang lại bè nổi với khu nấu ăn, nghỉ ngơi để khách du lịch có thể ăn uống, thưởng thức đặc sản cá lồng ngay trên bè của mình. Thế nhưng với tình hình như hiện này thì thất thu là điều chắc chăn”, anh Tâm nói.

Bình Minh

Báo Dân Việt

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận