Với việc nuôi cá chép giòn và một số loại cá khác thành công trong lồng bè trên lòng hồ thủy lợi, mỗi năm anh Tý mang về lợi nhuận trên 400 triệu đồng.
Để thực hiện mô hình nuôi cá chép giòn, trước năm 2015, anh Trần Viết Tý trú tại thôn Cam Vũ 1, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã đi khắp nơi để học hỏi kỹ thuật vỗ giòn cho các loài cá nước ngọt. Anh nhận thấy, kỹ thuật vỗ giòn các loài cá nước ngọt tuy khó nhưng nếu chịu khó học hỏi và nuôi thành công lợi nhuận đem lại rất cao. Điều này khiến anh càng quyết tâm thực hiện bằng được mô hình.
Đến năm 2015, khi đã tự tin vào kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, anh Tý trở về quê.
Trên hồ thủy lợi Đá Lả rộng 22 ha tại thôn Lâm Lang (xã Cam Thủy), anh Tý lắp đặt các lồng bè, mua cá chép bột (cá giống còn nhỏ) về nuôi.
Tuy nhiên, thời gian nuôi cá bột đến lúc vỗ giòn phải mất từ 1-2 năm. Khi cá lớn đến kích cỡ theo nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, anh Tý mới bắt đầu vỗ giòn. Thời gian này, với môi trường trong lồng bè trên lòng hồ có rất nhiều dịch bệnh, rủi ro sẽ rất cao; tỷ lệ cá đạt yêu cầu đến thời gian vỗ giòn sẽ thấp. Vì vậy, đến năm 2018, anh Tý đi đặt hàng mua cá thương phẩm ở các hồ nuôi đã đạt trọng lượng đem về vỗ giòn.
Không chỉ nuôi mỗi cá chép giòn, anh Tý còn nuôi nhiều loài cá cùng lúc trong 1 lồng như cá trắm, cá trê, cá chuối ngọc để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa hoạc phân cá thải ra trong quá trình nuôi. Thường cá chép sẽ chỉ ăn ruột đỗ tằm và thải ra vỏ đỗ. Vì vậy, cá trê với tỷ lệ nhất định trong các lồng bè sẽ giải quyết nguồn ô niễm này.
Theo kinh nghiệm của anh Tý, cá chép, cá trê và cá chuối ngọc thời gian vỗ giòn mất 6-8 tháng; với cá trắm mất khoảng 1 năm. Bình quân, để nuôi thành công 1 kg các loại cá nước ngọt đạt độ giòn phải mất 1 kg đỗ tằm lên men và chi phí thêm các loại men vi sinh, thuốc phòng trừ các loại bệnh thủy sản thông thường. Để cá ít dịch bệnh, anh Tý nghiền tỏi trộn lẫn thức ăn cung cấp cho cá.
Với kinh nghiệm nuôi từ 6-7 năm nay, tính ra mỗi năm anh Tý vỗ giòn trên 6 tấn cá các loại; cá đạt tỷ lệ giòn cao. Với giá nhập sỷ cho các đại lý mỗi kg cá giòn từ 230-250 nghìn đồng/kg (tùy loại), mỗi năm anh Tý lãi ròng khoảng 300-350 triệu đồng.
Tuy nhiên, với việc “bao giòn” cho các sản phẩm do mình tạo ra, giá thành khá cao so với thị trường bên ngoài nên vài năm lại đây, các loại cá giòn của anh Tý không tìm được đầu ra ổn định. Nhiều đại lý chê đắt, không còn duy trì thu mua thường xuyên. Vì thế, anh Tý đã xây dựng nhà hàng chuyên phục vụ nhu cầu của thực khách. Nhà hàng của vợ chồng anh Tý hiện tiêu thụ toàn bộ sản phẩm làm ra nên lãi ròng từ mô hình nuôi cá lồng vỗ giòn kết hợp với nhà hàng ẩm thực cho lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm.
Thấy tình hình nuôi cá vỗ giòn gặp thuận lợi, thời gian gần đây anh Tý tiếp tục thuê thêm diện tích mặt nước của hồ thủy lợi trong xã với diện tích 10 ha để phát triển.
Anh Tý chia sẻ, việc anh thu mua cá đạt kích cỡ thương phẩm về vỗ giòn đạt được nhiều mục tiêu. Tuy lợi nhuận đối với thành phẩm mình tạo ra có thể giảm nhưng điều này vừa hỗ trợ người nông dân tiêu thụ lượng cá nuôi ở địa phương và một số vùng phụ cận vừa giảm được các nguy cơ rủi ro trong quá trình nuôi cá thương phẩm.
Võ Văn Dũng
Báo Nông nghiệp