Thứ Hai, 5/06/2023, 13:30

Hải sâm cát – “Nhân sâm của biển”: Đối tượng nuôi mới nhiều triển vọng

Hải sâm kích cỡ thương phẩm có trọng lượng từ 250-300 gam/con.

(Aquaculture.vn) Với lợi thế về giá bán, thị trường, kỹ thuật sản xuất giống, hải sâm cát hay còn được ví như “Nhân sâm của biển” được kỳ vọng sẽ trở thành đối tượng nuôi mới; mở ra cơ hội sinh kế rất lớn đối với các cộng đồng dân cư vùng ven biển Việt Nam, từng bước hạn chế tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi và góp phần bảo vệ môi trường.

Hải sâm kích cỡ thương phẩm có trọng lượng từ 250-300 gam/con.
Hải sâm kích cỡ thương phẩm có trọng lượng từ 250-300 gam/con.

Việt Nam là quốc gia duy nhất làm chủ công nghệ sản xuất giống hải sâm cát

Hải sâm là loài có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, lại rất dễ nuôi. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều quốc gia thành công trong việc nuôi thương phẩm đối tượng này. Có thể nói, “nút thắt” của nghề nuôi hải sâm thương phẩm hiện nay đang nằm ở khâu xử lý con giống – một khâu đòi hỏi ứng dụng nhiều kỹ thuật.

Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, thuộc Viện Nghiên cứu Thủy sản III (RIA 3) là đơn vị đầu tiên tháo gỡ được “nút thắt” này và trở thành đơn vị duy nhất ở Việt Nam cho sinh sản và ương nuôi thành công con giống hải sâm.

Theo TS Nguyễn Đình Quang Duy, PGĐ Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung, RIA3, Việt Nam là quốc gia đầu tiên nuôi thành công hải sâm trong môi trường nhân tạo và xuất khẩu ra thế giới. Về chất lượng con giống và ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất hải sâm giống, Việt Nam đều chiếm vị thế khoa học hàng đầu trên thế giới.

Hải sâm giống giai đoạn ấu trùng được bám vào tấm nhựa nuôi trong bể ương giống nhân tạo
Hải sâm giống giai đoạn ấu trùng được bám vào tấm nhựa nuôi trong bể ương giống nhân tạo

Trung tâm hiện đang lưu giữ và nhân giống 3 loài hải sâm chính là hải sâm vú, hải sâm đen và hải sâm cát, trong đó phổ biến nhất là hải sâm cát. Trong điều kiện nuôi nhân tạo, được cung cấp thức ăn đầy đủ, con giống bố mẹ có thể liên tục cho đẻ trong vòng 3-4 năm. Tỷ lệ sống từ trứng, ấu trùng đến con giống đạt 10%, đây là tỷ lệ cao trong nuôi trồng thủy sản.

Với tổng diện tích khu ương nuôi hải sâm đạt 4ha, hiện tại Trung tâm có thể sản xuất được khoảng 2,5 – 3 triệu con giống hải sâm cát/năm.

Hải sâm ở giai đoạn ương lên con giống tiêu chuẩn
Hải sâm ở giai đoạn ương lên con giống tiêu chuẩn

Hiện, quy trình này đã được hoàn thiện và chuyển giao cho một số địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu giống cho các hộ nuôi thương phẩm. Thời gian nuôi thương phẩm của loài hải sâm cát từ 6 đến 8 tháng, với kích cỡ từ 3-4 con/kg, năng suất trung bình đạt 2,5 tấn/ha. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có nhiều hộ nuôi tiếp cận đối tượng nuôi mới này vì lo ngại về năng suất và hiệu quả kinh tế.

TS. Nguyễn Đình Quang Duy, PGĐ Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung, RIA3, người đang nắm giữ kỹ thuật sinh sản thành công hải sâm cát nuôi thương phẩm tại Việt Nam
TS. Nguyễn Đình Quang Duy, PGĐ Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung, RIA3, người đang nắm giữ kỹ thuật sinh sản thành công hải sâm cát nuôi thương phẩm tại Việt Nam

Người tiên phong nuôi hải sâm thương phẩm

Anh Phan Văn Tiến ở thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bén duyên với con hải sâm cách đây 15 năm; nhưng, phải đến năm 2017 anh Tiến mới bắt tay vào nuôi hải sâm cát theo quy mô thương phẩm và bài bản. Chia sẻ về cơ duyên với con hải sâm, anh Tiến cho biết, năm 2017, gia đình có 2-3 hồ nuôi ốc hương ghép một số lượng ít hải sâm khoảng vài ngàn con. Sau một trận bão, hầu hết thủy sản nuôi của anh đều bị lũ cuốn trôi. Những tưởng trắng tay, nhưng không ngờ sau khi bão tan, thời tiết nắng ấm những con hải sâm vùi dưới bùn lại ngoi lên sống khỏe mạnh.

“Khi nhìn thấy hải sâm ngoi lên trong ao sau cơn bão, mình cảm thấy khá bất ngờ và suy nghĩ rất nhiều và tự đặt ra câu hỏi, tại sao mình lại không tập trung đầu tư vào những loài nuôi trung thành như vậy”, anh Tiến tâm sự.

Cùng lúc đó, được sự hỗ trợ về kỹ thuật và con giống từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, anh Tiến đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo ao đìa nuôi thương phẩm đối tượng hải sâm cát.

Ao nuôi hải sâm cát ghép với ốc hương của anh Phan Văn Tiến

Theo anh Tiến, hải sâm là loài dễ nuôi, chi phí nuôi thấp lại ít dịch bệnh. Hầu như trong suốt quá trình nuôi hải sâm gia đình chưa gặp phải vấn đề về dịch bệnh. Đây cũng là loài nuôi có tỷ lệ hao hụt thấp, dao động từ 2-15%, tùy theo cách quản lý. Thêm nữa, nuôi hải sâm không mất quá nhiều chi phí đầu tư, nguồn thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ được phân hủy từ đối tượng nuôi ghép là ốc hương, như vậy nuôi hải sâm chỉ mất chi phí con giống ban đầu và chi phí sửa soạn ao đìa.

Hiện nay, gia đình anh có khoảng 2.5ha diện tích nuôi hải sâm, mật độ nuôi từ 1-2 con/m2. Sau từ 8-12 tháng sẽ cho thu hoạch, với giá bán ổn định từ 200.000 – 250.000 đồng/kg, trừ hết chi phí gia đình anh thu về khoảng 360 triệu/năm.

Ao nuôi hải sâm cát của gia đình anh Phan Văn Tiến chuẩn bị được thu hoạch

Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi hải sâm cát của anh Tiến được nhiều người dân tới tham quan và học hỏi kinh nghiệm, khu vực xung quanh anh Tiến đã có 8 hộ chuyển hướng nuôi sang đối tượng hải sâm cát, trên tổng diện tích hơn 6,5ha.

Ngoài ra, anh Tiến cũng đứng ra ương dưỡng giống và phân phối lại cho bà con xung quanh vùng, đến từng nhà để tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi. Anh đồng thời cũng là vựa thu gom hải sâm của các hộ nuôi trong vùng, tập kết và bán lại cho công ty thu mua.

“Không phải mình làm chỉ cho bản thân mình, mà mình muốn hỗ trợ được những người dân xung quanh khác để cùng nhau phát triển”, anh Tiến chia sẻ.

Cam kết bao tiêu đầu ra ổn định

Hiện nay, đầu ra là một vấn đề then chốt trong việc ổn định nuôi hải sâm thương phẩm. Không chỉ hỗ trợ vấn đề con giống và kỹ thuật cho người nuôi, TS. Nguyễn Đình Quang Duy còn là người đứng ra kết nối, tạo mối liên kết nhất định giữa 3 nhà là nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà doanh nghiệp, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. RIA 3 sẽ phụ trách hoàn thiện các bước kỹ thuật, khuyến cáo cho người dân thực hiện đúng quy trình để sản xuất ra sản phẩm chất lượng. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra,  giúp người dân yên tâm sản xuất.

Công ty Hải sâm Việt Nam là đơn vị đầu tiên đầu tư chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu hải sâm và nhà máy chế biến lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam. Để khuyến khích nông dân địa phương nuôi hải sâm cát, công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cố định để người nuôi an tâm về lợi nhuận.

Theo ông Đỗ Phước Kha, Trưởng phòng phát triển vùng nguyên liệu của Công ty Hải sâm Việt Nam, hiện nay, sản lượng thu mua một năm ở khu vực Vạn Ninh, Khánh Hòa mới chỉ đạt 8 tấn/năm, do số lương nuôi loài này vẫn còn rất ít, quá thấp so với nhu cầu của thị trường.

“Với giá thương phẩm sơ chế thu mua ổn định khoảng 200.000 đồng/kg. Năm 2023, công ty lên kế hoạch thu mua 3 triệu con thương phẩm, tăng gấp 200% so với năm ngoái. Trong những năm sau nữa, lượng thu mua sẽ tăng lên đến 6 – 9 triệu con”, ông Kha cho hay.

Trong thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ hải sâm khô đã và đang tăng mạnh tại các thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á với giá bán hải sâm có thể đạt mức từ 200 – 400 USD/kg. Với lợi thế về giá bán, thị trường và nắm trong tay kỹ thuật sản xuất giống, hải sâm sẽ trở thành đối tượng nuôi mới, mở ra cơ hội sinh kế rất lớn đối với các cộng đồng dân cư vùng ven biển Việt Nam.

Phạm Huệ

Quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát đã được Viện RIA 3 nghiên cứu với hai đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống hải sâm cát tại Nha Trang – Khánh Hòa” (năm 2003-2004); “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát quy mô sản xuất trong ao tại một số khu vực duyên hải Nam Trung bộ” (2008 – 2009).

Giai đoạn 2018 – 2023, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung đã phối hợp cùng Đại học Sunshine Coast (Australia) triển khai Dự án “Nâng cao kỹ năng chuyên môn hỗ trợ nuôi trồng hải sâm trong cộng đồng ở Việt Nam và Philippines” với sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận