Huyện Yên Thế vốn nổi tiếng khắp cả nước với sản phẩm gà đồi giờ đây lại xuất hiện trang trại nuôi cá tầm, cá chình quy mô lớn nhất tỉnh với cách làm độc đáo, sáng tạo. Chủ nhân của trang trại này là anh Trần Đức Hải (SN 1987) ở thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm (Yên Thế) và những người bạn.
Biến chuồng nuôi lợn thành… “ao” cá
Thông thường các loài cá nuôi ở môi trường ao, hồ, sông, suối có không gian thoáng rộng. Tuy nhiên ở trang trại nuôi loài cá “khó tính” như cá tầm, cá chình của anh Hải, cá được nuôi trong các “ao” nhỏ được cải tạo từ… chuồng chăn nuôi lợn. Bởi thế, nhìn bên ngoài, trại nuôi cá khiến nhiều người nghĩ là chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Cầm theo chiếc đèn pin, anh Hải dẫn chúng tôi thăm đàn cá. Bên trong một màu tối đen, tiếng nước chảy róc rách và mát mẻ như có điều hòa đang chạy xua tan cái nắng gay gắt của buổi trưa.
Đưa đèn hướng về chiếc nhiệt kế lắp phía mái che, anh Hải nói: “Cá chình, cá tầm ưa bóng tối, nhiệt độ mát nên chúng tôi phải che chắn khu vực nuôi cẩn thận, tránh ánh sáng trực tiếp. Nhiệt độ được duy trì bình quân 26-27 độ C”. Ấn tượng ở trang trại này là các loài cá ở nhiều lứa tuổi được nuôi trong các bể xi măng. Phía trong bể được lót lớp bạt màu đen. Làm như vậy để cá không bị trầy xước khi va vào thành bể, thuận tiện lúc thu hoạch. Thả nắm thức ăn vào một bể cá chình, dưới ánh sáng lấp lóa của đèn pin, đàn cá nhao nhao thi nhau uốn lượn, nổi lên ăn mồi.
Khi chúng tôi thắc mắc là sao không nuôi cá dưới ao sâu mà lại chọn giải pháp trên cạn, chia thành những ô nhỏ như thế này? Trầm tư một lúc, anh Hải kể, trước đây, trên diện tích hơn 2 nghìn m2 của gia đình, anh chung vốn với một số người bạn làm trang trại chăn nuôi lợn thịt, quy mô có lúc lên đến cả nghìn con. Lợi nhuận cao song chất thải trong chăn nuôi không xử lý triệt để, sống gần chuồng nuôi cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Nghĩ về lâu dài, cả nhóm quyết định dừng lại và tìm hướng đi mới.
Gây dựng lại cơ nghiệp khi vốn liếng, tài sản trong tay chẳng còn bao nhiêu nên cả nhóm đều trăn trở nghiên cứu. “Tôi nghĩ làm lại từ đầu thì phải tạo sự khác biệt, cái mới, khả năng thành công mới cao. Thế là mỗi người cùng suy tính, rồi bàn bạc đi đến quyết định chọn nuôi cá tầm, cá chình – loại cá đặc sản có hàm lượng dinh dưỡng, giá bán cao, được nhiều nhà hàng, quán ăn đặt hàng, nguồn cung ít. Đặc biệt là trên địa bàn tỉnh chưa có người nuôi quy mô lớn” – anh Hải bộc bạch.
Đã là nuôi cá thì phải có ao nhưng nếu đào ao, đắp đập be bờ rất tốn kém, trong khi nguồn vốn lại có hạn. Vì thế, năm 2021, các anh giữ nguyên phần mái che, phá các tường ngăn của chuồng nuôi lợn để xây thành hàng chục “ao” nhỏ. Chỉ trong thời gian ngắn, việc xây dựng đã hoàn tất và bước vào công đoạn chăm nuôi cá.
Thức cùng cá
Theo anh Hải, đều là loài ưa bóng tối nhưng so với cá chình, cá tầm đòi hỏi điều kiện nhiệt độ khắt khe hơn. Vì thế thời gian đầu đưa cá giống về, phải mất công đoạn giúp cá làm quen với môi trường mới, không bị sốc nhiệt. Ngày đầu nhiệt độ trong bể nước là 18 hoặc 19 độ C, đến ngày thứ 3 tăng lên là 19,5 độ C và kể từ ngày thứ 35 trở đi là ở mức 26 độ C, duy trì liên tục trong suốt quá trình chăm sóc.
Thời điểm này người nuôi bận rộn nhất, phải theo dõi sát từng giờ để điều chỉnh nước, nhiệt độ và thức ăn. Lúc nhỏ cá tầm cần nhiều đạm hơn so với loài cá khác nên chế độ ăn tính theo giờ, cứ 2 tiếng lại cho ăn một lần, đến khi đạt 30 ngày tuổi trở lên (cá đạt từ 50 – 60 g) mới chia ra các bể lớn. Do đó, các anh phân công nhau ở tại trang trại để thức cùng cá.
Nâng trên tay một con cá tầm nặng chừng 1 kg, anh Hải nói: “Hiện cá tầm thương phẩm có giá bán 220 – 250 nghìn đồng/kg; cá chình từ 330-350 nghìn đồng/kg. Từ những con cá giống lúc mới nhập chỉ bằng cái kim, dài 2-3 cm, sau 8-10 tháng chăm sóc đến nay đã sinh trưởng khỏe khoắn. Cá chình dài chừng 60-80 cm, mình tròn, da nhẵn bóng màu nâu đất, nặng từ 1,3 đến 1,7 kg. Cá càng to, giá càng cao bởi chất lượng thịt thơm ngon, nhiều nhà hàng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh sẵn sàng đặt tiền cọc giữ cá mà trang trại không đủ cung cấp”.
Từng tiếp xúc với nhiều chuyên gia và những chủ trang trại thành công với mô hình nuôi cá đặc sản, anh Hải hiểu rõ tiềm năng, giá trị của loài cá này nên đến năm 2023 anh mở rộng quy mô, nâng tổng số 77 bể nuôi cá tầm, cá chình giống và thương phẩm với hàng vạn con. Trang trại đầu tư đầy đủ trang thiết bị từ camera giám sát, hệ thống máy móc, thiết bị hỗ trợ kiểm tra đàn cá từ xa. Do không đào ao nên lượng nước sử dụng nuôi cá ở các bể rất lớn. Để tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện cho cá được sống như trong môi trường tự nhiên, trong trang trại có hệ thống sục, tạo khí, hệ thống làm mát.
Đặc biệt, nước chảy tuần hoàn, không thất thoát ra môi trường tự nhiên do được điều tiết bằng hệ thống ống. Nước từ bể cá qua bể vi sinh (vi sinh tiêu diệt sinh vật có hại, tạo sinh vật có lợi cho cá) rồi quay trở lại các bể cá liên tục thành một vòng tròn khép kín. Bằng cách này, không những tiết kiệm nước mà nước còn được xử lý thường xuyên, tạo môi trường an toàn, tốt cho cá.
Hướng đến đưa cá “xuất ngoại”
Từ đầu năm đến nay, trang trại xuất bán khoảng 10 vạn con cá giống và 25 tấn cá thương phẩm. Chủ nhân chưa hạch toán cụ thể song ước tính tổng thu hàng tỷ đồng, lợi nhuận thu về sẽ tiếp tục tái đầu tư mở rộng quy mô. Nếu như trước đây phần lớn ở vùng cao Tây Bắc mới sản xuất được cá tầm giống thì ngày nay, nhờ áp dụng tốt kỹ thuật, cá giống ở trang trại của anh Hải khỏe mạnh, chất lượng nên còn cung cấp ngược lại cho các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn.
Theo anh Hải, công việc khá vất vả nhưng càng làm lại càng ham, nhất là khi thấy cá khỏe mạnh, tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao. Thấy cách làm hiệu quả, nhiều người ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội tìm đến học hỏi, xin được chuyển giao kỹ thuật. Tuy nhiên, ngoài phải chăm sóc tỉ mỉ, các loài cá này còn ưa môi trường nước kiềm phù hợp. Điều này chỉ có tự nhiên mà không phải vùng đất nào cũng sẵn nên người nuôi cần lưu ý.
Nhìn lại quá trình chuyển hướng làm ăn, anh Hải chia sẻ: “Chọn hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tôi lo nhiều hơn vui. Lo đến mất ăn, mất ngủ vì không có nhiều kinh nghiệm, chưa rõ hiệu quả mang lại ra sao. Thêm nữa đây là dự án lớn, đa số anh em phải thế chấp tài sản vay ngân hàng, nếu thất bại đồng nghĩa mất hết cả tài sản nhà cửa, bố mẹ, vợ con sẽ ở đâu. Nhưng nếu cứ nghĩ ngợi, rồi để cái tôi sợ hãi lấn át mà không hành động thì chẳng làm được gì. Chúng tôi vẫn bảo nhau rằng tuổi trẻ lãi nhất là có thời gian, có sức khỏe. Vì vậy khi còn trẻ hãy sẵn sàng tinh thần đổi mới. Tinh thần đó được các anh em trong nhóm thống nhất cao”.
Xung quanh chuyện về con cá, qua trò chuyện với ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế chúng tôi được biết, trang trại có 9 thành viên góp vốn, đa số là những người trẻ. Trong đó, anh Hải còn là Bí thư Đoàn xã Đồng Tâm, Trưởng thôn Hồng Lạc. Nghĩ mới, làm mới thể hiện tư duy sáng tạo trong phát triển kinh tế của các anh. Huyện luôn khuyến khích, tạo điều kiện để những mô hình như thế phát triển, đa dạng sản phẩm cho quê hương.
Được biết, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thị trường lớn hơn, hướng đến xuất khẩu, năm 2022, anh Hải cùng các bạn thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu cá chình Việt Nam. Trước nhu cầu nuôi cá tầm ngày càng lớn hiện nay, nhóm bạn trẻ đang xây thêm trang trại tại xã Tiên Lục (Lạng Giang) với quy mô 5 nghìn m2. Tin vui khi năm 2023, nhiều thương nhân từ Nhật Bản, Hàn Quốc sang tận nơi tìm hiểu, đặt vấn đề hợp tác cung ứng sản phẩm cá tầm chế biến lâu dài.
Mạnh dạn đổi mới và bước đầu thu “trái ngọt”, hy vọng tương lai không xa, sản phẩm cá tầm, cá chình – loài cá ưa bóng tối được nuôi tại Bắc Giang sẽ được xuất ngoại nhờ anh Hải và các cộng sự.
Khánh Vân – Hải Vân
Báo Bắc Giang