Cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis) còn gọi là sặc bổi, cá lò tho là loài cá nước ngọt có thể sống trong môi trường nước lợ, phân bố rộng rãi trong vùng nhiệt đới về phía lưu vực sông MeKong, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Trong những năm gần đây, diện tích nuôi cá sặc rằn được mở rộng, phát triển nhiều mô hình nuôi mới ở các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trong đó có Đồng Tháp. Cũng như các nghề nuôi thủy sản khác, nghề nuôi cá sặc rằn cũng gặp khó khăn như tình trạng nước nuôi bị ô nhiễm và dịch bệnh trên cá đặc biệt là bệnh thân đen và bệnh xuất huyết. Một trong những biện pháp hữu hiệu là sử dụng chế phẩm vi sinh (probiotic) để kiểm soát dịch bệnh bằng cách ức chế, cạnh tranh những vi sinh vật gây bệnh, hỗ trợ hệ tiêu hóa, cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, các chế phẩm vi sinh còn có tác dụng xử lý nước ao nuôi bằng cách phân hủy thức ăn dư thừa, các hợp chất hữu cơ có trong nước.
Triển khai đề tài theo chương trình hợp tác cấp Viện Hàn lâm KHCNVN và tỉnh Đồng Tháp: “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ xử lý môi trường vùng nuôi cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis, Regan 1909) theo hướng phát triển bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm tại tỉnh Đồng Tháp” do TS. Lê Thị Ánh Hồng, Viện Sinh học Nhiệt đới làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện là 2 năm, từ năm 2018 – 2020, đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.
Đề tài đã xây dựng được 3 quy trình nuôi cấy vi sinh vật, tạo các chế phẩm vi sinh từ nguồn vi sinh vật được phân lập và tuyển chọn từ các mẫu nước, bùn, cá thu tại các ao nuôi cá sặc rằn ở tại Đồng Tháp. Các chế phẩm này sử dụng cho xử lý và cải tạo nước ao nuôi cá, phòng/kháng bệnh thân đen và bệnh xuất huyết trên cá sặc rằn. Hiệu quả của các chế phẩm ở quy mô pilot cũng như điều kiện thực nghiệm cho thấy các chế phẩm có khả năng xử lý tốt các chất độc gây hại nghiêm trọng cho cá như NH4- N đạt 53,19 – 71,5% và NO2 đạt 65,38 – 80,51%, giữ chất lượng nước nuôi được ổn định cũng như kiểm soát tốt vi khuẩn gây bệnh thân đen (Streptococcus agalactiae) và vi khuẩn gây bệnh xuất huyết của cá sặc rằn (Klebsiella pneumoniae) giúp ngăn ngừa, hạn chế sự phát triển bệnh và giảm tỷ lệ hao hụt cá trong suốt quá trình nuôi.
Hiệu quả ứng dụng các chế phẩm từ kết quả của đề tài đã được giới thiệu tại Hội thảo và Hội nghị tập huấn “Quy trình xử lý ao nuôi cá sặc rằn bằng chế phẩm vi sinh” tổ chức vào tháng 9 và tháng 12 năm 2020 tại Đồng Tháp, Hội thảo đã được sự quan tâm, tham dự của nhiều hộ nuôi và các tổ chức có liên quan đến nghề nuôi cá sặc rằn tại địa phương.
Ứng dụng các chế phẩm từ kết quả của đề tài sẽ góp phần đáp ứng được mục tiêu phát triển nghề nuôi cá sặc rằn ở Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung theo hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường với các ưu thế so với nuôi phổ biến hiện nay như không cần thay nước ao nuôi theo định kỳ, tiết kiệm được chi phí nhiên liệu từ hoạt động bơm nước, không sử dụng hóa chất cũng như thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh các sản phẩm ứng dụng thực tiễn, đề tài đã công bố 2 bài báo “Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn nitrat hóa từ ao nuôi cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis) tại tỉnh Đồng Tháp” và bài “Kết quả bước đầu xác định tác nhân gây bệnh xuất huyết trên cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis)” trong Tuyển tập Báo cáo toàn văn Hội nghị Công nghệ sinh học Toàn quốc năm 2019, NXB Đại học Quốc gia Tp.HCM; 1 bài “ Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn ức chế Streptococcus aglactiae gây bệnh thân đen trên cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis) trên Tạp Chí Công nghệ sinh học; hỗ trợ đào tạo hoàn thành 2 luận văn Thạc sỹ về Công nghệ sinh học.