Bổ sung vitamin C góp phần kích thích tăng trưởng và tăng cường tỷ lệ sống của lươn đồng.
Hiện nay công nghệ nuôi lươn không bùn với mật độ cao ngày càng được chú trọng, tuy nhiên với hình thức nuôi này lươn rất dễ bị bệnh, dễ bị stress, tỷ lệ hao hụt cao.
Sản lượng lươn giống và lươn thương phẩm hiện nay vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giá con giống còn cao, đặc biệt quá trình vận chuyển xa thường làm hao hụt lươn, lươn bị yếu. Lươn giống chủ yếu vẫn khai thác ngoài tự nhiên và mang nhiều rủi ro cho các hộ nuôi, chính vì vậy việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi đối tượng này là một vấn đề rất cần thiết để nâng cao chất lượng giống, tỷ lệ sống và cải thiện khả năng tăng trưởng của lươn đồng.
Vitamin C là một yếu tố vi lượng cần thiết trong chế độ dinh dưỡng cho sinh trưởng, phát triển và chức năng sinh lý của động vật thủy sản. Vitamin C là chất chống oxy hóa tự nhiên, chống stress, đồng thời là vi dưỡng chất có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng bình thường và các chức năng sinh lý của hầu hết các loài động vật thủy sản.
Thiếu vitamin C trong thức ăn sẽ dẫn tới bệnh lý như vẹo cột sống, giảm sức đề kháng, khó lành vết thương, giảm tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống, giảm khả năng sinh sản ở các đối tượng nuôi, đặc biệt đối với giai đoạn đầu của vật nuôi. Chính vì những lý do đó mà ở giai đoạn ấu trùng và giai đoạn giống cần bổ sung đầy đủ hàm lượng vitamin C cần thiết để tăng cường sức đề kháng và tốc độ tăng trưởng cho vật nuôI.
Thí nghiệm được tiến hành với 4 nghiệm thức bao gồm: 80mg/kg; 100mg/kg; 120mg/ kg và 140mg/kg thức ăn và nghiệm thức đối chứng (0mg/kg). Thí nghiệm được tiến hành trong 8 tuần. Lươn được cho ăn 3 lần/ngày 6h, 12h và 17h với khẩu phần 7-10% khối lượng thân
Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng vitamin C bổ sung vào thức ăn có ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ sinh trưởng của lươn. Các thông số tăng trưởng của lươn đồng cho ăn khẩu phần có bổ sung vitamin C ở hai nghiệm thức vitamin C có hàm lượng 120 và 140mg/kg thức ăn cao hơn đáng kể so với nhóm ăn thức ăn đối chứng.
Trong đó, lươn đạt khối lượng trung bình cao ở nghiệm thức 140mg vitamin C/kg thức ăn với khối lượng trung bình là 0,505g/cá thể, tốc độ sinh trưởng đặc trưng về khối lượng là 6,418% và tốc độ tăng trưởng tuyệt đối 0,011g/ngày. Tiếp đến là nghiệm thức bổ sung 120mg vitamin C/kg thức ăn với các thông số W2, SGR và DWG lần lượt là 0,499g/cá thể; 6,418%/ngày và 0,01g/ngày.
Tương tự như kết quả tăng trưởng về khối lượng, tốc độ tăng trưởng theo chiều dài của lươn cũng chịu ảnh hưởng của hàm lượng vitamin C được bổ sung vào thức ăn.
Chiều dài trung bình khi kết thúc thí nghiệm của lươn dao động từ 9,4 đến 9,8 cm và đạt giá trị cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 140mg vitamin C/ kg thức ăn.
Tương tự với tốc độ tăng trưởng đặc trưng DLG và tốc độ tăng trưởng tương đối SGR cũng đạt giá trị cao nhất ở 140mg vitamin C/ kg với các thông số lần lượt là 0,157g/ngày và 2,832 %/ngày.
Trong suốt thời gian thử nghiệm không thấy lươn có các dấu hiệu cong vẹo cột sống ở cả các nghiệm thức bổ sung và không bổ sung vitamin C
Đối với hệ số phân đàn theo khối lượng thì ở mức bổ sung 120mg/kg cho tỷ lệ phân đàn thấp nhất. Càng về cuối thí nghiệm, tỷ lệ phân đàn càng rõ rệt, việc phân đàn lớn dẫn đến tỷ lệ hao hụt lươn lớn.
Hệ số FCR cũng có sự khác biệt lớn giữa các nghiệm thức, ở mức độ 120 và 140mg vitamin C/kg thức ăn FCR đạt giá trị thấp (FCR=1), trong khi các nghiệm thức còn lại hệ số FCR ở mức cao hơn, đặc biệt ở nghiệm thức đối chứng (1,4).
Kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ sống của lươn đồng được cải thiện đáng kể ở các nghiệm thức bổ sung vitamin C, tỷ lệ sống cao từ 88,3 đến 98,1%, cao hơn so với nghiệm thức đối chứng 85,3%.
Từ nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin C với liều lượng 140mg/kg sẻ kích thích tăng trưởng, giảm hao hụt và giảm chi phí trong quá trình nuôi lươn.
Nguồn: Tepbac