Lươn là loài thủy đặc sản được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng do phẩm chất thịt thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Từ lươn người ta có thể chế biến thành các món khác nhau nhưng được ưa chuộng nhất có lẽ là đến món súp lươn, món ăn bổ dưỡng của ẩm thực xứ Nghệ.
Để chủ động trong khâu sản xuất giống có chất lượng cung cấp cho người dân phát triển nghề nuôi lươn, tạo thêm nguồn thu nhập, đặc biệt là với những hộ gia đình có quy mô sản xuất nhỏ ở những vùng điểm xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành triển khai xây dựng mô hình “Nhân giống lươn bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo” tại xã Xuân Thành với quy mô 50m2.
Tham gia mô hình hộ dân được hỗ trợ giống lươn, thức ăn, hóa chất, thuốc xử lý dịch bệnh, môi trường và được cán bộ Trung tâm dịch vụ huyện thường xuyên tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh, xử lý môi trường… trong suốt quá trình nuôi. Mô hình được triển khai thực hiện đúng quy trình kỹ thuật các công đoạn từ khâu chuẩn bị bể nuôi vỗ, bể ương, bể ấp, nguồn nước cấp đảm bảo, chế độ thức ăn đảm bảo về lượng và chất, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý cải tạo nguồn nước… nên tỷ lệ sống cao, đạt 98%.
Đánh giá về khả năng sinh sản, bà Phan Thị Tư Lan cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình cho biết: “Sau hơn 8 tháng nuôi, đàn lươn bố mẹ đã sinh sản 8 đợt, người dân tiến hành thu trứng và ấp nở được số lượng lươn con là 47.046 con giống. Tuy nhiên, do gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi nên đợt 1 trứng bị ung nhiều, tỷ lệ ấp nở chỉ đạt 60%. Lứa thu trứng, ấp nở đợt 2 đến đợt 7 lúc này lươn bố mẹ đã thành thục và gặp điều kiện thời tiết phù hợp nên tỷ lệ ấp nở cao, đạt 80%, lươn con khỏe mạnh, bắt mồi tốt. Riêng đợt sinh sản thứ 8 do gặp phải cơn bão số 10 gây mưa lớn, ngập lụt sâu trên địa bàn toàn xã nên toàn bộ số trứng đã bị cuốn trôi, thiệt hại”.
Qua đánh giá cho thấy, mặc dù mô hình triển khai gặp điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp mưa, nắng thay đổi bất thường, hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển, khả năng sinh sản, tỷ lệ ấp nở, của lươn giống. Nhưng sau 8 tháng thả 400 kg lươn giống (kích cỡ 200g/con) trong bể có diện tích 50m2, đã cho sinh sản và ấp nở được 47.046 con giống với giá bán bình quân 5.500 đồng/con, sau khi trừ toàn bộ các chi phí, hộ dân đạt lợi nhuận 113.953.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: “Mặc dù có những thời điểm gặp điều kiện thời tiết bất thuận nhưng với sự hăng say, cần cù chịu khó của chủ hộ và sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát hỗ trợ, hướng dẫn chăm sóc, nuôi dưỡng nên mô hình đạt hiệu quả cao, người dân rất phấn khởi. Mô hình được chính quyền địa phương đánh giá rất cao và đồng thời khẳng định sẽ đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian tới”
Mô hình sản xuất giống lươn bằng phương pháp bán nhân tạo bước đầu đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sử dụng và khai thác hiệu quả diện tích, nâng cao giá trị sản xuất, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân ở các xã xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Thành./.
Trung tâm Khuyến nông Nghệ An