Xuất phát từ nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nhiều hộ dân tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tận dụng, cải tạo ao mương để nuôi ốc bươu đen, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhận thấy ốc là món ăn được ưa chuộng trên thị trường với phương thức chế biến đa dạng, phù hợp với khẩu vị của nhiều khách hàng và có đầu ra tương đối ổn định, giá bán cao, tháng 6/2020, anh Nguyễn Văn Thủy (thôn Hà Thanh) đã tận dụng ao nuôi rộng 4.000 m2 của gia đình để thả bèo nuôi ốc bươu đen.
“Thời gian đầu, tôi mua 10 vạn con giống để nuôi thử. Nhìn chung, nuôi ốc khá nhàn, không mất nhiều công chăm sóc, không dịch bệnh lại tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có như mướp, bí, bèo cám, lá sắn, xơ mít… Ốc con sau vài tuần nuôi dưỡng là có thể thả ao để tự tìm thức ăn” – anh Thủy chia sẻ.
Sau 4 tháng, đến tháng 10/2020, gia đình anh xuất bán lứa ốc đầu tiên với giá 90 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên nuôi ốc bươu đen, chưa nắm rõ các quy trình kỹ thuật nên sản lượng không cao, gia đình anh chỉ thu hoạch được 36 kg, thu về hơn 3,2 triệu đồng.
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay, anh Thủy thả 4 vạn con giống bắt đầu từ tháng 4. Đến tháng 8, ốc thương phẩm đã đạt khoảng 30 con/kg, đủ tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường. Với mức giá 90 ngàn đồng/kg, 7 tạ ốc đã thu hoạch của gia đình anh Thủy cho nguồn thu 63 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn và tiền giống ban đầu, anh thu lãi khoảng 35 – 40 triệu đồng.
Cũng như anh Thủy, sau khi tìm hiểu về hiệu quả của mô hình nuôi ốc bươu đen, ông Nguyễn Văn Thìn (thôn Thượng Phú) đầu tư 20 triệu đồng để mua 5 vạn con giống.
Bắt đầu từ ngày 13/8, số con giống này được ông thả trong diện tích ao rộng 600 m2 của gia đình.
Theo ông Thìn, ốc bươu đen rất ưa sạch, nên để ốc phát triển tốt cần phải thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh. Dưới ao, ông thả các loại bèo, rong khác nhau làm giá thể cho ốc bám vào và đẻ trứng. Thức ăn của ốc nhồi chủ yếu là bèo tấm, rau, củ, quả, thực phẩm thả nổi trên mặt nước.
Do không đòi hỏi cao về yếu tố môi trường, điều kiện tự nhiên cộng với cơ sở vật chất sẵn có nên việc nuôi thả ban đầu tại nhà ông Thìn đã diễn ra hết sức thuận lợi. Mật độ nuôi phù hợp đối với ốc thương phẩm khoảng 300 con/m2.
Nguồn thức ăn cung cấp cho ốc cũng hết sức phong phú, phổ biến và dễ kiếm. Đặc biệt, vào 3 tháng mùa đông, ốc sẽ dừng vận động nên không cần cung cấp thức ăn, do đã hấp thụ đủ dinh dưỡng trước đó. Đây được coi là giai đoạn “nghỉ đông” của ốc bươu. Chính những yếu tố này mà ốc bươu đen là con nuôi đơn giản nhất trong số các giống thủy sản hiện nay, không tốn quá nhiều thời gian và công chăm sóc.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, bắt đầu từ năm 2021, nhiều hộ dân tại Tượng Sơn đã chuyển hướng sang nuôi ốc bươu đen. Thành công bước đầu từ các mô hình này đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Bùi Đức Văn cho biết: “Toàn xã Tượng Sơn hiện có 10 hộ nuôi ốc bươu đen trên diện tích khoảng 6 ha. Từ nay đến hết năm, xã sẽ ban hành chính sách hỗ trợ 20% con giống nhằm tạo thêm động lực, giúp bà con yên tâm phát triển mô hình.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tích cực kết nối với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Sở KH&CN, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà để tập huấn quy trình kỹ thuật trong khâu chọn giống, chăm sóc, thức ăn, phòng trừ bệnh cho bà con. Đồng thời tiến tới thành lập tổ hợp tác cho các thành viên nuôi ốc bươu đen.