Thiên nhiên ưu đãi vùng ven biển Kim Sơn bằng việc mỗi năm ban cho vùng đất này hàng trăm ha đất lấn biển, lượng phù sa màu mỡ bồi đắp tạo thành những cồn bãi nuôi ngao lý tưởng.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất ngao giống cũng như nuôi ngao thương phẩm, từ đó phát triển nghề nuôi ngao theo hướng bền vững.
Những đại gia ngao
Về các xã ven biển Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông, Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) không khó để tìm hỏi những hộ làm ngao vì đa số họ đều là những “đại gia”, nhà cao cửa rộng, thu nhập tiền tỷ. Anh Phạm Văn Hinh (xóm 5, Kim Trung) là một trong những người như thế.
Anh Hinh chia sẻ: Gia đình làm nhiều mảng thủy sản, từ giống tôm, giống cua rồi các loại cá nhưng tôi cho rằng làm ngao là nhàn nhất. Bắt đầu nuôi con ngao từ năm 2010, hơn chục năm nhưng chưa năm nào tôi bị thua lỗ. Như năm ngoái, con ngao bị dịch bệnh nhưng tôi vẫn lãi hơn 1 tỷ. Riêng năm nay dự kiến 10 ha ngao của gia đình sẽ thu về 300-350 tấn tương đương khoảng 4 tỷ đồng, trừ chi phí giống 1,5 tỷ, tiền trông coi, thu hoạch khoảng 300 triệu, tôi vẫn còn lãi hơn 2 tỷ đồng. Thành công này tôi cho rằng là do may mắn, ngoài ra cũng phải có kỹ thuật, biết tính toán về kích cỡ, thời điểm thả sao cho hợp lý.
Giống như ông Hinh, anh Nguyễn Văn Tâm (xã Cồn Thoi) cũng là một trong những đại gia ngao có tiếng, sở hữu hơn 10 ha ngao vùng bãi triều. Anh Tâm cho biết: Mỗi năm bỏ ra hơn 1-1,5 tỷ đồng để đầu tư mà chỉ cần một cơn bão lớn, hay một đợt dịch bệnh là có thể bị xóa sổ tất cả. Nhiều người nói tôi dại, mang tiền vãi ra biển. Nhưng bù lại lãi từ nuôi ngao rất lớn, gấp 2-3 lần so với nguồn vốn bỏ ra nên những ngư dân như tôi khó mà bỏ được nó. May mắn là thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc họ mua ngao cỡ nhỏ nên thời gian từ thả nuôi đến lúc thu hoạch chỉ còn 12 tháng thay vì 15 -18 tháng như trước kia. Thời gian ngắn nên rủi ro cũng được hạn chế phần nào.
Bên cạnh nuôi ngao thương phẩm thì vài năm trở lại, người dân các xã ven biển huyện Kim Sơn còn nghề sản xuất ngao, hàu giống. Trên địa bàn vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ của huyện hiện có khoảng 300 cơ sở sản xuất giống thủy sản nhuyễn thể, với diện tích hơn 300 ha, sản lượng 42,5 tỷ con, trong đó ngao 30 tỷ con, hàu 12,5 tỷ con.
Điều đáng nói là giống ngao, hàu ở Kim Sơn chất lượng tốt hơn hẳn ở các địa phương khác, thời gian sinh trưởng kéo dài hơn, sản lượng, năng suất cao hơn. Do vậy, hiện giống ngao, hàu Kim Sơn có giá cao hơn và được ưa chuộng ở hầu hết các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định,… Một héc ta sản xuất giống nhuyễn thể có thể cho thu nhập từ 1-2 tỷ đồng/năm.
Tăng cường yếu tố kỹ thuật trong sản xuất
Hiện nay, huyện Kim Sơn có khoảng hơn 1 nghìn ha nuôi ngao, tập trung ở vùng ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi, sản lượng hàng năm đạt khoảng 17 nghìn tấn. Mặc dù có diện tích, sản lượng ngao khá lớn nhưng thực tế hiện nay hầu hết những người nuôi ngao ở Kim Sơn đều chỉ thả nuôi theo kinh nghiệm, không nắm được các kỹ thuật sản xuất một cách bài bản. Trong khi đó, gần đây, thời tiết khí hậu có những biến đổi thất thường, đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường biển là những mối đe dọa rất lớn đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi ngao.
Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, tình trạng ngao chết hàng loạt đã xuất hiện tại các vùng nuôi, gây thiệt hại không nhỏ đời sống kinh tế của ngư dân. Do vậy, để phát triển hiệu quả và bền vững nghề nuôi ngao trên địa bàn, Kim Sơn cần rà soát lại quy hoạch nuôi ngao của địa phương, chỉ đưa phần diện tích đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vào quy hoạch nuôi, thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Được biết, thời gian qua, Sở Nông nghiệp&PTNT thường xuyên phối hợp với UBND huyện hướng dẫn quy trình nuôi, công tác quản lý vùng nuôi cho bà con ngư dân. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm; tiến hành thu mẫu định kỳ để đánh giá môi trường và dịch bệnh nhằm cảnh báo cho người nuôi tránh được những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về lâu về dài, huyện cần tính đến việc tạo chuỗi liên kết khép kín từ quá trình ương nuôi ngao giống đến sản xuất ngao thương phẩm và chế biến, nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và giải quyết đầu ra sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu ngao Kim Sơn có mặt tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tin vui là mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & PTNT đã thăm, làm việc với tỉnh Ninh Bình, trong đó có khảo sát tại vùng nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn. Theo đó, thời gian tới, Tổng Cục thủy sản cùng với Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp&PTNT) sẽ có những hỗ trợ về hạ tầng, kỹ thuật để Kim Sơn xây dựng trở thành vùng sản xuất giống nhuyễn thể hiện đại, tiên tiến của cả nước.