Đó là mô hình đang được nhân rộng của chị Nguyễn Thị Nam Phương, ấp Mỹ Hội, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách. Chị Phương được nhiều người biết đến không chỉ vì kiên trì và thành công trong khởi nghiệp từ nghề nuôi ếch mà còn là người truyền cảm hứng, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho nhiều nông dân khác.
Khi về quê lập nghiệp, câu hỏi mà chị Phương trăn trở là chọn vật nuôi nào phù hợp với miệt vườn Kế Sách, nơi có hệ thống ao, mương vườn rất lớn và hầu như nông hộ nào cũng có nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, chị Phương xác định con ếch là vật nuôi phù hợp với nhiều quy mô nông hộ khác nhau. Tuy nhiên, muốn thành công phải chọn phương thức nuôi tạo ra sản phẩm ếch có sự khác biệt so với cách nuôi thông thường. Nuôi ếch sạch theo hệ thống sản xuất tuần hoàn là phương thức nuôi mà chị Phương lựa chọn. Theo đó, đối với ếch nuôi trong vèo dưới ao thì nuôi kết hợp cùng với cá tra. Việc nuôi cá tra trong ao có vèo nuôi ếch mang lại nhiều lợi ích như: Tận dụng thức ăn thừa của ếch, phân ếch, da ếch (khi ếch lột) làm thức ăn có hàm lượng đạm cao cho cá tra, giúp cá ăn lớn nhanh; môi trường nuôi không bị ô nhiễm. Cũng có thể thả nuôi ghép thêm cá rô để chúng “làm vệ sinh” giúp vèo nuôi ếch sạch sẽ, thông thoáng. Nước trong ao nuôi được sử dụng tưới cho cây ăn trái giúp cung cấp thêm chất hữu cơ và dinh dưỡng cho cây trồng.
Để hạn chế việc phải sử dụng hóa chất, kháng sinh khi nuôi ếch chị Phương chia sẻ bí quyết: “Ngoài việc chọn ếch giống khỏe thì trong ao có vèo nuôi ếch nên trồng rau ngổ, rau muống hoặc lục bình ở một góc ao để làm sạch nước; sử dụng tỏi, cỏ mực làm thảo dược để phòng trị bệnh cho ếch”. Từng chi tiết tưởng như rất nhỏ nhưng lại là bí quyết quan trọng được chị Phương lưu ý như: Độ đạm trong thức ăn ảnh hưởng đến độ dẽ chắc của thịt ếch; kích cỡ viên thức ăn phù hợp với từng giai đoạn của ếch là yếu tố quyết định đến sự tăng trọng và hiệu quả kinh tế; bổ sung thêm mật ong để giúp ếch ăn khỏe; thường xuyên phân loại ếch, thả riêng biệt, có chế độ chăm phù hợp với con bị dị tật hoặc nhỏ để ếch luôn phát triển đồng đều.
Với phương thức nuôi ếch trong hệ thống sản xuất tuần hoàn trên đây đã tạo ra sản phẩm ếch sạch, chất lượng ngon, giá thành thấp, có khả năng cạnh tranh và được người tiêu dùng chấp nhận. Bên cạnh đó, nguồn thu từ cá tra, cá rô giúp cho hệ thống sản xuất bền vững và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tất cả các cẩm nang nuôi ếch sạch nêu trên đều được chị hướng dẫn tận tình, chi tiết theo phương châm “cầm tay chỉ việc” cho các hộ có nhu cầu nuôi. Đặc biệt, chị không chạy theo lợi nhuận bán ếch giống nhưng thật lòng mong muốn người nuôi thành công nên chỉ bán số lượng ếch giống phù hợp với điều kiện ao nuôi và khả năng chăm sóc của người nuôi. Điều này làm nhiều người lúc đầu giận chị nhưng sau họ hiểu ra thì gắn bó lâu dài với chị trong nghề nuôi ếch sạch.
Từ thực tế sản xuất và tiêu thụ ếch, nhất là việc tiêu thụ giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, chị Phương thấy rằng nếu chỉ bán ếch sống thôi thì sẽ gặp khó khăn, đôi khi ếch bị quá lứa, hiệu quả giảm nên chị mạnh dạn đầu tư để thực hiện thêm khâu chế biến. Đến nay chị đã có sản phẩm thịt ếch sơ chế đóng gói (hút chân không) để cung cấp cho thị trường tại chỗ và thịt ếch sơ chế đóng gói cấp đông để bán cho thị trường xa hơn.
Bà Ngô Thị Hồng Hoa – Chủ tịch UBND xã Thới An Hội, cho biết xã đang phối hợp với Dự án Chương trình Hỗ trợ phát triển, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kế Sách để đăng ký sản phẩm ếch chế biến là sản phẩm OCOP của xã trong thời gian tới.
Tâm huyết với nghề nuôi ếch sạch, được sự cộng tác, ủng hộ của các hộ nuôi, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, tin rằng mô hình nuôi ếch sạch theo hệ thống sản xuất tuần hoàn sẽ tiếp tục phát triển và gặt hái thành công nhiều hơn.