Huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) có thế mạnh nuôi thuỷ sản với tổng diện tích trên 30.000 ha. Ngoài nuôi tôm, các xã nằm ven theo tuyến sông Bảy Háp như Trần Thới, Ðông Thới, Ðông Hưng, một phần xã Tân Hưng Ðông và thị trấn Cái Nước còn phát triển mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm cho lợi nhuận rất cao. Nhưng để nuôi đạt hiệu quả, nguồn sò huyết giống trước khi thả nuôi trong vuông tôm phải được ươm dèo dưới sông, nhưng việc làm này lại vi phạm quy định Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, nên mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm chậm phát triển và cần tháo gỡ.
Nguồn sò huyết giống hiện chưa được sản xuất, chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên và được ươm dèo bán lại cho người dân có nhu cầu thả nuôi trong vuông tôm. Sò huyết giống thả nuôi đạt tỷ lệ sống cao, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường và nguồn nước, nên nguồn sò huyết giống được ươm dèo tại địa phương được bà con nông dân tin tưởng lựa chọn. Từ đó, mô hình dèo sò huyết giống trên sông được nhiều hộ dân thực hiện, chủ yếu tận dụng phần đất bãi sông trước nhà. Nhưng việc làm này vi phạm quy định Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, nên chính quyền địa phương kiên quyết giải toả, nghiêm cấm người dân lấn chiếm lòng sông.
Do bức xúc nguồn sò huyết giống thả nuôi trong vuông tôm, nên người dân lén lút ươm dèo dưới sông bằng nhiều hình thức. Theo số liệu thống kê của ngành chuyên môn, trên địa bàn huyện hiện có hơn 40 hộ dân lấn chiếm lòng sông để dèo sò huyết giống, với tổng chiều dài trên 40 km, tập trung chủ yếu một số tuyến kênh có dòng chảy mạnh và nhiều phù sa, phù hợp sò huyết giống phát triển như kênh Bảy Háp, kênh Bản Ðá, xã Trần Thới; kênh xáng Tân Duyệt, thị trấn Cái Nước; tuyến Kênh 2, xã Ðông Thới và kênh xáng Cái Hàng, xã Tân Hưng Ðông.
Mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm không chỉ góp phần đa dạng đối tượng nuôi thuỷ sản, mà còn cho hiệu quả kinh tế khá cao và sò huyết đã trở thành mặt hàng đặc trưng của nhiều địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 56 hộ dân thả nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, với tổng diện tích gần 570 ha.
Chủ tịch UBND xã Ðông Thới Võ Văn Triệu cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu, cua thương phẩm trên thị trường phần nào bị ảnh hưởng, nên mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm đang được bà con nông dân tiếp tục duy trì và nhân rộng. Tuy vốn đầu tư con giống khá lớn, nhưng bù lại không phải tốn kém chi phí thức ăn và chủ động được thời gian thu hoạch, hạn chế rủi ro thiệt hại về giá so với các đối tượng thuỷ sản khác khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay”. Chủ tịch UBND xã Trần Thới Lê Văn Vũ thông tin, nguồn sò huyết giống được ươm dèo tại địa phương, khi nuôi rất thích nghi, phát triển tốt; còn mua sò huyết giống từ nơi khác về thả nuôi trực tiếp trong vuông tôm thì tỷ lệ thành công không cao, do môi trường, nguồn nước và độ mặn không phù hợp.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước Trần Hoàng Ðạo, thực tế đã qua, việc ươm dèo sò huyết trên sông diễn ra khá phổ biến, chủ yếu tận dụng phần đất bãi sông, không làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy và phương tiện đường thuỷ lưu thông. Mặt khác, hiện nay hệ thống lộ nông thôn cơ bản phủ kín các xóm ấp, người dân đi lại bằng phương tiện xe 2 bánh là chính, nên xuồng máy lưu thông trên các tuyến sông rất ít.
Ông Trần Hoàng Ðạo cho biết thêm, để tháo gỡ khó khăn về nguồn sò huyết giống, nhân rộng mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khảo sát các tuyến sông đủ điều kiện dèo sò huyết giống, đề xuất quy hoạch nhằm tạo nguồn sò huyết giống chất lượng phục vụ bà con nông dân thả nuôi trong vuông tôm, không làm ảnh hưởng đến phương tiện đường thuỷ lưu thông./.
Việt Tiến
Nguồn: Báo Cà Mau