Trời hửng nắng, bà con ngư dân sinh sống với nghề khai thác ruốc chuẩn bị phương tiện, lưới mành, dụng cụ cho những chuyến đánh bắt đầu mùa. Vậy là, mùa khai thác ruốc lại đến.
Dọc theo tuyến đê biển Tây, nối dài từ ấp Khánh Hưng A, Kênh Mới, xã Khánh Hải đến ấp Kinh Tám, xã Khánh Bình Tây (Cà Mau), là những đoạn lộ với hình ảnh chị em phụ nữ sàng ruốc, lâu lâu có những chuyến ghe chở ruốc thuê cập bến, những khênh ruốc đầy được vận chuyển lên bờ. Không khí lao động làm nhộn nhịp vùng quê biển.
Cứ vào độ tháng 4, 5, kéo dài đến tháng 8, 9 âm lịch, bà con ngư dân từ Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Sông Ðốc, Phong Ðiền lại bước vào mùa khai thác ruốc trong năm. Hộ có điều kiện thì tự sắm phương tiện, thuê bạn để đẩy te ruốc, còn ai không có ghe thì đi phơi ruốc, đi làm thuê cho chủ ghe, làm thuê cho các vựa thu mua. Ðây là nghề truyền thống mấy mươi năm, là chỗ dựa mưu sinh của hàng trăm bà con ở các ấp ven biển.
Không đất đai canh tác, nghề đẩy te ruốc là sinh kế duy nhất của gia đình bà Lê Thị Phượng (65 tuổi, ấp Kênh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời). Tính cả con gái, con rể, gia đình bà Phượng có 2 chiếc ghe khai thác ruốc. Thường từ tháng 5 tới tháng 8 âm lịch thì khai thác ruốc ở cửa biển Ðá Bạc; tháng 9, 10 đến tháng 3 năm sau thì thuê bãi, rồi hành nghề khai thác ruốc ở Bạc Liêu. Cái nghề gắn liền 1/3 cuộc đời của bà Phượng. Quen nghề, cuộc sống dựa vào những khênh ruốc, vì thế, dù chỉ tạm đủ lo cuộc sống nhưng gia đình bà Phượng vẫn gắn bó tới giờ.
“Sáng tới 12 giờ trưa nay thu được 12 khênh, tính ra cũng hơn 100 kg ruốc khô. Chưa biết năm nay giá cả sao. Như mọi năm thì từ 20-50 ngàn đồng/kg, tuỳ theo loại ruốc. Trời nắng tốt, phơi ruốc đẹp nên bà con mừng lắm”, bà Phượng bộc bạch.
Không có phương tiện khai thác ruốc như bà con nên chị Ngô Thị Lan (ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) lân la theo các chủ ghe đánh bắt nhận phơi ruốc thuê. Nghề làm quen cũng đã 20 năm tròn. Khi có ruốc, chủ ghe liên lạc là chị Lan có mặt ngay. Tiền công nhiều hay ít tuỳ theo sản lượng đánh bắt trong ngày. Chị Lan bảo: “Thường thường thì cũng cỡ 300 ngàn đồng/ngày. Nhờ có số tiền đó mà tôi có thể phụ giúp thêm cho gia đình. Chồng thì đánh bắt cá, tôm với nghề lú ven bờ”.
Chị Ðặng Thị Thuý (ấp Kênh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), một trong những cơ sở thu mua ruốc rươi, ruốc khô của bà con ngư dân, cho biết: “Nắng tốt, ruốc phơi khô, đẹp thì tôi thu mua ruốc khô, còn mưa thì mua ruốc tươi. Thường hàng năm, ruốc tươi từ 10 ngàn đồng/kg đổ lại, còn ruốc khô thì nhiều loại, nhiều giá khác nhau và cũng tuỳ lượng hàng dội hay hút”.
Ruốc có thể chế biến đa dạng thành nhiều sản phẩm. Ðơn giản nhất là ruốc khô, cầu kỳ hơn là các món ruốc chao, ruốc xào thịt, mắm ruốc xào, nước mắm ruốc. Sản phẩm tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố.
Mùa ruốc là niềm tin, hy vọng của bao ngư dân ven biển./.
Ngọc Minh
Nguồn: Báo Cà Mau