Ngay sau khi nắm bắt thông tin về cá song nuôi lồng bè ở Cát Bà chết hàng loạt, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác định nguyên nhân để giúp đỡ người dân.
Liên quan đến tình trạng cá song nuôi lồng bè trên các vịnh, thuộc quần đảo Cát Bà bị chết hàng loạt vừa qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Hải Phòng xuống thực tế để thu mẫu nghiên cứu nguyên nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Công Thành, Trung tâm Quan trắc môi trường biển (Viện Nghiên cứu Hải sản) cho biết, sau khi kiểm tra và xét nghiệm các mẫu đã thu thập, bước đầu cho thấy cá có dấu hiệu bị nhiễm bệnh do vi khuẩn, tuy nhiên để xác định chắc chắn cần nghiên cứu sâu hơn. Trước mắt, để hạn chế tình trạng cá chết người dân cần có giải pháp khác khả thi hơn là tắm thuốc cho cá như hiện nay.
“Kết quả kiểm tra cho thấy trên thân cá chết có xuất hiện nhóm vi khuẩn Vibrio, đây là lọai vi khuẩn luôn luôn tồn tại trong nước biển, khi điều kiện môi trường thay đổi xấu làm sức đề kháng giảm, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cá và gây bệnh. Do vậy, nếu tắm thuốc xong và thả ra thì cá lại tiếp tục nhiễm vi khuẩn, muốn dứt điểm cần tách đàn cá chưa bị bệnh ra khu biệt lập khác”, Tiến sĩ Thành thông tin.
Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, tình trạng cá song chết không còn nhiều, chỉ lác đác ở một số thời điểm. Để tránh rủi ro, người dân lưu ý trong khâu chọn con giống, cách chăm sóc cá vào thời điểm thời tiết chuyển mùa và mật độ nuôi.
Về con giống cá song, người dân cần tìm mua ở những nơi cung cấp có chất lượng, uy tín thì mới chuẩn nguồn giống, tránh mua trôi nổi, ham rẻ.
Vào giai đoạn chuyển mùa, cần lưu ý tăng cường chăm sóc cho đàn cá, bổ sung các loại vitamin vào trong cái thức ăn để cá tăng sức đề kháng.
Và đặc biệt, người dân cần lưu ý về mật độ nuôi, không được quá dày, dễ gây ô nhiễm, cá sinh bệnh rồi lây lan, rất nguy hiểm.
“Có thể do nguồn giống cá song người dân mua có chất lượng chưa đảm bảo nên giai đoạn chuyển mùa cá sẽ chết mà nó chết. Với những hộ thông tin là chết nhiều, thời điểm kiểm tra, cá chết đã không còn nên không xác định chính xác nguyên nhân là thế nào cả”, đại diện Chi cục Thủy sản Hải Phòng thông tin.
Trước đó, thông tin từ người dân nuôi cá lồng bè ở Cát Bà cho biết, từ cuối năm 2024 đến nay đã xảy ra tình trạng cá song chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Biểu hiện bệnh lí là cá song bị bệnh lở loét, vây bị rữa, xuất huyết dưới da, có khối u, màu sắc đậm, mắt đục, mắt lồi có xuất huyết,… rồi chết.
Hầu hết các gia đình nuôi cá song ở Cát Bà đều có cá bị chết, có gia đình thiệt hại nhiều thì lên đến hàng tỷ đồng, còn hộ ít hơn thì ước tính thiệt hại cũng lên đến vài trăm triệu đồng.
Theo người nuôi cá, ở khu vực nước càng nông thì lượng cá chết càng nhiều, khu vực nước sâu thì lượng cá bị chết ít hơn và chủ yếu là cá song, cả cá giống và cá thương phẩm. Đây là loại cá có giá trị kinh tế cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Vũ Ngọc Tuấn, Trạm trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cát Hải cho biết, miền bắc đang giai đoạn chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển, đặc biệt là tại các vùng nước quẩn, lưu thông kém như khu vực Bến Béo đến khu vực Hang Vẹm.
Sau khi nắm được thông tin cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, các cán bộ thú y đã tuyên truyền cho người dân cách phòng chống. Thứ nhất là vệ sinh lồng bè sạch sẽ để tạo dòng chảy tốt hơn, thứ 2 là thu gom cá chết kịp thời rồi đưa vào đất liền xử lý, tránh lây lan, ô nhiễm môi trường, thứ 3 là trộn các chất như Vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Đinh Mười
Báo Nông nghiệp