Huyện Ngọc Hiển có hơn 23.100 ha nuôi thuỷ sản. Bên cạnh con tôm, thời gian qua, con cua trở thành đối tượng nuôi chủ lực, hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, gần đây tình trạng cua chết xảy ra ở nhiều địa phương trong huyện, khiến chất lượng và sản lượng cua thương phẩm sụt giảm, nông dân lao đao.
Theo ông Hồ Hoàng Chương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển, những tháng gần đây nắng nóng gay gắt, nhiệt độ, độ mặn tăng cao, môi trường trong ao nuôi biến động, tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Từ sau tết Nguyên đán, dịch bệnh trên cua nuôi tái diễn và ngày càng lan rộng ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện, gây ảnh hưởng đến kinh tế của bà con.
Nếu như trước đây, với hơn 3 ha nuôi thuỷ sản (tôm, cua, cá kết hợp), anh Phan Thanh Sang, ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây “bỏ túi” hơn 10 triệu đồng/tháng, trong đó, nguồn thu từ cua chiếm hơn một nửa, thì hiện nay, nguồn thu này giảm đáng kể. Mỗi con nước, gia đình anh thu nhập chưa đến 1 triệu đồng từ cua, thậm chí, có thời điểm không có cua để bán cho thương lái.
Theo anh Sang, hơn 2 tháng nay, cua nuôi nhiễm bệnh chết ngày càng nhiều. Do bị bệnh nên cua bỏ ăn, rong rêu đóng theo vành mép, bọng thịt, đồng thời, khi quan sát trong mang có ký sinh trùng bám. Một số con chết nổi trên mặt nước, số ít thì bò lên bờ rồi chết khô. Số bắt được, sau khi trói vài tiếng đồng hồ thì run càng, ngoe, sùi bọt rồi chết.
Nhìn số cua bắt lên chưa kịp bán đã chết gần hết, anh Sang ngậm ngùi: “Ðợt rồi cải tạo vuông, thả gần chục ngàn con giống, mua thêm cá vụn cho ăn hằng tuần, tốn cũng hơn chục triệu đồng, chưa kịp lấy vốn thì cua thiệt hại. Thấy cua bệnh nhưng mình cũng bất lực, không biết cứu làm sao”.
Cùng ấp Ông Ðịnh, mấy tháng nay, gia đình ông Huỳnh Văn Phường cũng thất thu do cua nuôi bị chết. Ông Phường cho biết, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ cua tăng cao và giá cao ở thời điểm trước, trong và sau vào kỳ nghỉ lễ 30/4, nên từ trước tết Nguyên đán, ông thả thêm giống và tăng cường cho ăn, chăm sóc cho cua mau lớn, lên gạch tốt để thu hoạch đúng thời gian này. Sau 4 tháng nuôi, cua phát triển tốt, đều con, đạt kích cỡ, gia đình phấn khởi, đặt lọp, tỉa thưa bán dần. Tuy nhiên, mấy con nước gần đây, ông phát hiện xác cua chết rải rác. Ðể hạn chế thiệt hại, ông Phường nhanh chóng thu hoạch, nhưng sản lượng rất thấp.
Ông Phường tâm sự: “Vợ chồng lớn tuổi, mọi chi tiêu, sinh hoạt đều trông cậy vào miếng vuông hơn 2 ha. Giờ cua nuôi bị bệnh, nguồn thu từ con tôm không đủ trang trải, kinh tế gia đình khó khăn. Trước mắt, gia đình tạm ngưng thả giống nối vụ, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ để ổn định môi trường trong vuông nuôi. Ráng cầm cự, chờ qua đợt nắng nóng này rồi tính tiếp”.
Theo ông Tô Văn Dưng, Trưởng ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây, qua rà soát, có hơn 60% hộ nuôi cua trong ấp đều chung tình trạng cua nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Mức độ thiệt hại từ 20-70%. “Trước tình hình trên, chúng tôi khuyến cáo bà con nhanh chóng thu hoạch số cua còn lại, tuyệt đối không thả thêm giống nối vụ vào thời điểm này. Riêng các diện tích có cua bị chết, hướng dẫn bà con thu gom rồi đem chôn, xử lý bằng vôi nóng. Tuyệt đối không được vứt cua chết ra sông, rạch để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài ra, hướng dẫn bà con cấp nước để nâng cao mực nước trong vuông và cắm thêm các nhánh chà thành nhiều cụm, vừa hạn chế ảnh hưởng nhiệt độ trước thời tiết nắng nóng, vừa làm nơi trú ẩn cho cua, tôm”, ông Dưng cho biết.
Ông Hồ Hoàng Chương thông tin: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên cua vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra thông báo khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa, phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao phát sóng ngày 3 buổi trên hệ thống loa truyền thanh để bà con nắm, thực hiện. Ngoài ra, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê số hộ và diện tích bị thiệt hại để đề xuất phương án hỗ trợ”.
Cũng theo ông Chương, phần lớn bà con nuôi cua trên địa bàn huyện Ngọc Hiển theo hình thức kết hợp nuôi tôm, cá, sò huyết… Nông dân quen với tập quán canh tác truyền thống là thu tỉa, thả bù, tận dụng thời gian sản xuất quanh năm, ít áp dụng khoa học – kỹ thuật vào quá trình nuôi. Thời gian tới, huyện tăng cường mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức cần thiết, trọng tâm về kỹ thuật cải tạo, xử lý ao đầm, nguồn nước, mật độ thả giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh… giúp bà con giảm tối đa thiệt hại và nâng cao thu nhập. Ðồng thời, nhân rộng những mô hình nuôi hiệu quả, nhất là nuôi cua quảng canh có sử dụng chế phẩm sinh học, góp phần tăng năng suất, chất lượng cua thương phẩm và phát triển bền vững nghề nuôi cua./.
Trúc Linh – Huỳnh Tứ