Nhờ tính cần cù, chịu khó làm ăn mà mô hình nuôi tôm trong bể xi măng của anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) cho thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm.
Cần cù, chịu khó nghiên cứu các mô hình tiên tiến
Luôn mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và các nước tiên tiến trên thế giới, đó chính là sở trường của anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).
Mặc dù công việc khá bận rộn, nhưng anh Vinh vẫn cố gắn sắp sếp thời gian để có cuộc trò chuyện với Báo Dân Việt/NTNN. Anh cho biết: “Tôi đã có 31 năm gắn bó với nghề nuôi tôm và hiện nay tôi đang ưng ý nhất chính là mô hình nuôi tôm dạng hình tròn có mái che. Chính mô hình này, không những giúp cho thu nhập gia đình tăng lên mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương”.
Nói về ý tưởng làm bể xi măng hình tròn anh Vinh cho hay: “Trước đây, tôi thiết kế ao tôm hình vuông diện tích 500m2, riêng ao nuôi tôm thịt diện tích từ 1.000 – 1.200m2 và có sử dụng lưới lan che phía trên. Tuy nhiên, mô hình này tôi cảm thấy chưa thật sự ổn định, nên quyết định táo bạo bằng cách thay đổi xây dựng mô hình mới”.
Với nghị lực vượt khó vươn lên, khát khao đổi mới, dám thay đổi cách nghĩ, cách làm. Sau đó, anh chuyển từ ao tôm hình vuông sang thiết kế xây dựng bể nuôi tôm hình tròn bằng bê tông cốt thép. Mô hình được thiết kế khá vững chắc, có diện tích 2.000m2/bể, có thể chứa 4.000m3 nước.
Từ mô hình thí điểm ban đầu chỉ vài bể, đến nay gia đình anh đã nhân rộng được 23 bể nuôi. Trung bình mỗi năm anh nuôi từ 3 – 4 vụ tôm thẻ chân trắng, năng suất đạt 7 – 10 tấn/bể, với giá bán từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, doanh thu từ 1,2 – 1,4 tỷ đồng/bể. Với 23 bể nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất đạt 500 tấn/năm, mang lại doanh thu từ 50 – 60 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lợi nhuận 30 – 50%.
Mô hình đầu tiên, hiện đại trên địa bàn tỉnh
So với các bể nuôi hình vuông, nuôi ngoài ao tự nhiên thì bể nuôi hình tròn có nhiều ưu điểm như: Mô hình này đang giúp cho người nuôi tôm có thể chủ động được thời gian xuất bán, hạn chế được dịch bệnh, tôm nhanh lớn, năng suất đạt cao, thu gom các chất thải nhanh, có thể nuôi nhiều vụ trong năm, thời gian sử dụng khá lâu có thể lên đến hàng chục năm. Đồng thời, phân tán được mỗi khi gió vào, tránh ảnh hưởng trực tiếp từ gió bão. Bên cạnh đó, mô hình còn sử dụng điện thoại di động để điều khiển từ xa trong các bể nuôi.
Đặc biệt, mô hình làm theo phương pháp nửa nổi, nửa chìm, bên trong đều có thiết kế riêng cho từng bể cụ thể: Mỗi bể đều có làm hệ thống giếng khoan riêng biệt, bể xử lý nước thải riêng, có hệ thống cho ăn tự động, máy quạt nước oxy đáy. Phía trên được làm mái che bằng những tấm lưới lan. Mỗi bể nuôi cách nhau khoảng 6m, có đường vận chuyển thức ăn vào và rất thuận tiện mỗi khi thu hoạch tôm.
Nhờ những hệ thống này mà nước được xử lý trước khi thả ra ngoài nên đảm bảo về môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, cách vận dụng lưới lan bao phía trên hạn chế được những con chim trời gấp tôm, cũng như thức ăn cho tôm.
Anh Vinh cười khoe, với chiếc điện thoại di động nên anh rất dễ dàng điều khiển các hệ thống trong ao nuôi cũng như kiểm tra các công việc khác, rất thuận tiện. Vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí.
Vừa qua, mô hình nuôi tôm trong bể xi măng hình tròn vinh dự được đón đồng chí Thào Xuân Sùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến tham quan. Chủ tịch Hội Nông dân việt Nam đánh giá rất cao sự năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của nhiều nông dân giỏi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng hình tròn có lưới che của ông Vinh.
Theo anh Vũ Hoài Chung – Phòng Nuôi trồng chi cục thủy sản Ninh Thuận, đây là mô hình nuôi tôm trong bể xi măng hình tròn đầu tiên trên địa bàn tỉnh, quy mô của mô hình khá hiện đại và được xây dựng khá kiên cố. Với cách làm trên, hạn chế được dịch bệnh lây lan, kiểm soát được thức ăn và nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân vùng biển.
Công Tâm
Báo Dân Việt