Thứ Hai, 28/08/2023, 11:00

Bắc Ninh: Nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP

Mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Trần Văn Cương, thôn Tháp Dương, xã Trung Kênh (Lương Tài).
Mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Trần Văn Cương, thôn Tháp Dương, xã Trung Kênh (Lương Tài).
Mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Trần Văn Cương, thôn Tháp Dương, xã Trung Kênh (Lương Tài).

Năm 2019, gia đình ông Trần Văn Cương ở thôn Tháp Dương, xã Trung Kênh (Lương Tài) được Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAPTrao đổi với chúng tôi ông cho biết: “Gia đình tôi có 1,5 mẫu mặt nước nằm trong vùng chuyển đổi ruộng trung sang nuôi trồng thuỷ sản của địa phương. Trước đây, nuôi thả cá theo phương pháp truyền thống bình quân mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 6 tấn cá.

Khi chuyển sang nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cá tăng gần 2 lần so với phương pháp nuôi truyền thống bởi áp dụng phương pháp nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, mật độ thả giống cao hơn so với nuôi truyền thống từ 20 đến 30%, chi phí thuốc men, phòng trừ dịch bệnh giảm đáng kể. Năng suất cá tăng, chất lượng cá bảo đảm, lại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho nên đầu ra ổn định, được giá bán, thu nhập của gia đình ông cũng được cải thiện hơn.

Bắt đầu làm trang trại chăn nuôi, thủy sản từ năm 2006, gia đình anh Trần Văn Sơn, thôn An Động, xã Lạc Vệ (Tiên Du) có 1,4 ha mặt nước nuôi cá các loại gồm rô phi và chép. Sau nhiều năm nuôi cá theo phương pháp truyền thống, được Chi hội nghề cá thôn An Động vận động, sự hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thuỷ sản tỉnh năm 2017 anh đầu tư cải tạo lại ao và nguồn nước để chuyển sang nuôi cá theo quy trình VietGAP.

Theo anh Sơn, với đa phần các hộ nuôi cá ở Lạc Vệ đã có kinh nghiệm, việc áp dụng theo quy trình VietGAP cũng nhiều thuận lợi. Ngoài các điều kiện tự nhiên như chất đất, nguồn nước, các hộ chỉ cần lập sổ ghi chép nhật ký nuôi trồng từ xuống giống, lượng thức ăn, phòng bệnh nhằm truy xuất nguồn gốc con cá. Riêng anh sau khi áp dụng quy trình VietGAP, việc quản lý chất lượng nguồn nước và phòng bệnh được chú ý hơn như tạo thêm hệ thống nước sạch qua một số yếu tố phụ trợ để thực hiện phòng bệnh cho cá theo định kỳ 2 lần/ tháng bằng các chế phẩm sinh học. Nhờ nuôi theo quy trình này, các ao nuôi hạn chế tối đa dịch bệnh, sản lượng cá gia đình anh tăng lên 20-30%.

Ngoài 2 mô hình trên, toàn tỉnh hiện có 196 cơ sở, hộ nuôi thủy sản áp dụng phương pháp nuôi trồng thuỷ sản theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 183 cơ sở nuôi cá trong ao đất với diện tích xấp xỉ 85 ha, 13 cơ sở nuôi cá lồng trên sông với hơn 100 lồng. Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Được xây dựng trên các tiêu chí cơ bản là: Bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Các hộ tham gia nuôi cá theo hướng VietGAP được tập huấn, tư vấn kỹ thuật, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá, phân tích chất lượng nước và được Tổng cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận. Việc nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, qua đó tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm và nâng cao được giá trị sản xuất.

Ðồng thời, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Thực tế sản xuất cho thấy, năng suất trung bình các mô hình nuôi cá theo hương Viet GAP đạt 8 đến 11 tấn/ha/năm, tăng 20-30% so với nuôi theo phương pháp truyền thống, năng suất nuôi lồng trên sông đạt 4,5 đến 6 tấn/lồng, tăng 10-20% so với nuôi truyền thống.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan song hiện nay đa số cơ sở nuôi trồng thủy sản VietGAP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi chưa đồng bộ, nguồn vốn của các chủ hộ áp dụng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP còn thiếu cho nên có một số mô hình chưa bảo đảm 100% tiêu chí đánh giá.

So với nuôi cá truyền thống, nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP phải quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào như: Nguồn nước, thức ăn, con giống… và mọi quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc, hóa chất đều phải ghi chép vào nhật ký ao nuôi, trong khi các chủ hộ đã quen với tập quán sản xuất cũ, chỉ dựa vào kinh nghiệm cho nên quá trình nuôi còn gặp một số hạn chế.

Bên cạnh đó, nuôi theo hướng VietGAP có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, công lao động nhiều hơn nhưng không phải hộ nuôi nào cũng tìm được đầu ra ổn định. Khi thu hoạch, việc thu mua vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, giá bán chưa có nhiều khác biệt so với nuôi thông thường cho nên nhiều chủ hộ không mặn mà với mô hình VietGAP.

Để đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung tổ chức sản xuất thuỷ sản gắn với nhu cầu thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng, trong đó đặc biệt quan tâm đến tổ chức sản xuất theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm tại các vùng nuôi cá thâm canh, vùng nuôi cá lồng trên sông nhằm giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ nông dân tham gia sản xuất thủy sản.

Ðồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học và xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật về chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất thủy sản an toàn.

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh