Thứ Bảy, 7/01/2023, 13:39

Ý tưởng độc đáo: Biến vỏ tôm cua thành nhựa sinh học

Từ những chất thải thủy sản “vứt đi”, gây ô nhiễm môi trường, nhóm sinh viên trường đại học Trà Vinh đã tận dụng tái chế để cho ra sản phẩm nhựa sinh học.

Tận dụng “đồ bỏ”

Trưởng nhóm Nguyễn Phương Khánh (22 tuổi), sinh viên năm 4, ngành Công nghệ Kỹ thuật hóa học, trường Đại học Trà Vinh quê ở xã Long Vĩnh (Duyên Hải, Trà Vinh), vùng chủ yếu nuôi trồng thủy sản, đặc biệt, là nuôi tôm, riêng gia đình Khánh nuôi 6 ha. Ở ĐBSCL nói chung và trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói riêng, nuôi trồng thủy sản là thế mạnh. Hàng năm, lượng lớn vỏ tôm, vỏ cua thải ra chưa được tận dụng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

“Chứng kiến cảnh vỏ tôm do người dân vớt từ đáy ao lên bờ gây ô nhiễm môi trường, từ năm 2018, tôi đã có ý tưởng tận dụng vỏ tôm, cua đó để tạo ra sản phẩm nhựa sinh học, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường”, Khánh chia sẻ.

Khánh tận dụng những vỏ tôm để làm ra những sản phẩm nhựa sinh học bảo vệ môi trường. Ảnh: tvu.edu.vn

Phương Khánh đã lập nhóm bạn gồm 4 thành viên cùng chung ý tưởng tận dụng những thứ phế phẩm thủy sản để tạo ra nhựa sinh học dùng thay thế nhựa thông thường, giúp hạn chế rác thải nhựa, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Theo lời Khánh, người nông dân nuôi tôm sau thời gian nuôi 1,5 tháng thì cứ khoảng nửa tháng lại phải vớt lên bờ tạp chất như vỏ tôm lột ở dưới đáy để vệ sinh ao. “Chất thải chất đống, ruồi nhặng bu, gây ô nhiễm môi trường. Còn nếu tận dụng ủ làm phân thì ít nhất cũng phải mất 1,5 tháng mới phân hủy hết. Chưa kể, trong thời gian phân hủy sẽ phát ra mùi hôi thối khó chịu quanh khu vực ủ. Vì thế, nhóm chúng tôi thu gom các loại chất thải này về tái chế thành nhựa sinh học vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế cao”, Khánh nói.

Bảo vệ môi trường

Bạn Chung Mỹ Phúc, sinh viên năm 4, trường Đại học Trà Vinh, thành viên nhóm chia sẻ, sản phẩm nhựa sinh học có nguồn gốc tự nhiên nên đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Một số sản phẩm mà nhóm làm là các loại đồ dùng hàng ngày như cốc, đĩa, muỗng, đũa, ống hút, túi nilon… “Đặc biệt, chúng tôi hướng đến sản phẩm đồ dùng cho trẻ em và thiết bị y tế”, Mỹ Phúc chia sẻ.

Theo Mỹ Phúc, những loại vỏ tôm, cua và các loại động vật giáp xác khác, có thể tổng hợp thành nhựa sinh học. Những loại vỏ động vật này phổ biến ở địa phương tỉnh Trà Vinh và các tỉnh lân cận. Sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản khi phân hủy sẽ không tạo ra các hạt vi nhựa giống như nhựa nguyên sinh có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Vỏ tôm sau khi được tái chế sẽ có hình dạng là những chiếc ly, ống hút,…thân thiện với môi trường. Ảnh: tvu.edu.vn

Mỹ Phúc cho biết, quy trình sản xuất gồm: thu gom nguyên liệu từ ao tôm của nông dân rồi sơ chế bằng cách rửa và sấy hoặc phơi khô. Sau đó, dùng máy nghiền; loại bỏ các chất khoáng, protein; cuối cùng là phối trộn để tạo thành nhựa sinh học. Trong sản phẩm hoàn chỉnh, vỏ tôm chiếm 65%, còn lại là các chất khác (nhựa, bột màu, dầu hóa dẻo…), không có mùi hôi.

Nói về giá trị kinh tế, trưởng nhóm Nguyễn Phương Khánh cho biết hiện tại, nhóm đang bán với giá 15 nghìn đồng 10 cốc, loại 250ml. “Đó là giá sản xuất thủ công; nếu được đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, quy mô lớn thì giá sẽ rẻ hơn nữa”, Khánh nói.

Hòa Hội
Báo điện tử Tiền Phong