Thứ Hai, 27/02/2023, 11:24

Quy trình sản xuất giống cua biển

Việt Nam có nguồn lợi Cua biển phong phú, những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng nên cùng với nghề khai thác Cua tự nhiên, nghề nuôi Cua đã phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình nuôi Cua biển được ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng dẫn đến việc khai thác và bắt Cua con từ tự nhiên nhiều có thể đe dọa mất cân bằng sinh thái môi trường biển. Nhằm đảm bảo tính bền vững của nghề nuôi Cua và giảm áp lực khai thác, Trung tâm Khuyến nông giới thiệu đến bà con quy trình sản xuất giống Cua biển.

Thứ nhất, giới thiệu các loại bể nuôi vỗ và ương ấu trùng

Hồ ương từ giai đoạn Zoae 1 đến Megalope: Hồ dạng hình tròn, đáy hồ dạng cầu lõm, thể tích từ 500 lít đến 1000 lít. Sâu từ 0,7 – 0,8 m. Hồ có thể làm bằng vật liệu composite.

Hồ ương từ giai đoạn Megalope đến Cua bột: Hồ xi măng có thể tích 2,5 x 2,5 x 1,4 m.

Hồ nuôi luân trùng, Artemia và tảo làm thức ăn cho các giai đoạn ấu trùng Cua có thể tích từ 1 – 5 m3.

Số lượng các hồ ương và hồ gây nuôi thức ăn tuỳ thuộc vào công suất trại sản xuất Cua giống.

Hình 1: Bể composite để ương Cua giống

Thứ hai, cách xử lý nước biển trước khi ương, nuôi: Sau khi lọc cơ học, cho nước vào bể chứa, xử lý bằng Virkon A nồng độ 0,6 ppm, sục khí liên tục ít nhất là 8 giờ rồi cấp vào các bể.

Thứ ba, quy trình nuôi vỗ Cua mẹ

Các tiêu chí chọn lựa Cua mẹ

Hình 2. Sự thay đổi màu sắc của buồng trứng

Thả Cua mẹ: Cua mẹ bắt ngoài tự nhiên được xử lý qua thuốc tím nồng độ 0,3 ppm và cho vào bể có thể tích 5 m3. Mật độ nuôi vỗ từ 2-3 con/m2. Cho một lớp cát dày 20-30 cm ở một góc bể cho Cua mẹ vùi và ẩn nấp, duy trì sục khí 24/24 giờ.

Cho ăn và chăm sóc quản lý: Cho Cua mẹ ăn các loại thức ăn tươi sống như cá liệt, tôm, mực, các loại nhuyễn thể. Các loại thức có vỏ được giã nhỏ, tôm, mực được cắt thành từng miếng nhỏ. Phối trộn cho Cua ăn ngày 2 lần, sáng từ 6-7 giờ, chiều từ 17-18 giờ. Trước khi cho ăn thì thức ăn phải rửa qua thuốc tím (5ppm), kiểm tra và vớt sạch thức ăn còn dư thừa của buổi trước.

Thành phần thức ăn tươi sống bao gồm:

– Cá liệt (Gazza minuta) chiếm 60 – 70 % khẩu phần ăn.

– Tôm, mực, nhuyễn thể chiếm 30 – 40 % khẩu phần ăn.

– Thức ăn được làm giàu khoáng vi lượng và vitamin trước khi cho Cua mẹ ăn.

Thứ 4, kỹ thuật cho Cua sinh sản

Thường xuyên kiểm tra sự thay đổi màu sắc cơ thể, phần tiếp giáp giữa 2 mai và đốt bụng thứ nhất hở rộng ra, mai Cua chuyển sang màu huyết dụ, Cua mẹ bơi quanh bể. Khi Cua mẹ chuẩn bị đẻ, chúng sẽ đứng chồm dậy bằng các đôi chân bò thì dùng vợt để chuyển ngay Cua vào bể đẻ.

Sau khi Cua đẻ trứng xong, để khoảng một giờ đồng hồ cho khối trứng ổn định, vớt Cua mẹ ra tắm bằng nước ngọt 01 phút và tắm bằng idorin 25 ppm thời gian 5 phút mỗi ngày.

Thứ năm, kỹ thuật ấp trứng

Vệ sinh và nhẹ nhàng di chuyển Cua mẹ ôm trứng qua hồ ấp trứng. Hồ ấp trứng có thể từ 100 đến 150 lít. Ðể nâng cao tỷ lệ nở và hạn chế ký sinh trùng bám vào trứng, Cua mẹ ôm trứng được ấp bằng phương pháp treo. Hằng ngày cho Cua mẹ ấp trứng ăn một lần/ngày và thay nước 100 %. Trước khi trứng nở thành ấu trùng hai ngày, tiến hành xử lý trứng phôi và Cua mẹ, đồng thời ngừng cho Cua mẹ ăn. Trong thời gian ấp trứng từ 9 – 15 ngày, cần duy trì sục khí liên tục 24/24 giờ và giữ cho môi trường nước luôn trong sạch.

Thứ sáu, quá trình ương ấu trùng

Trứng Cua thường nở vào sáng sớm từ 5-8 giờ. Sau khi nở 30 phút thì tiến hành thu ấu trùng Zoae. Các thao tác tiến hành càng nhanh càng tốt (10-15 phút).

Kỹ thuật ương giai đoạn Zoea 1 đến Megalope: Bể ương có thể tích 1 m3, mỗi bể trang bị một dây sục khí. Cấp nước đã được lọc sạch vào bể, xử lý EDTA 5 ppm sục khí mạnh ít nhất 8 giờ, mật độ thả từ 150-200 con/lít.

Giai đoạn Z1 đến Z3: Cho ăn LansyZM + F1 với 3 lần/ngày, mỗi lần 1 gr/ 10 vạn Zoae, kết hợp cho ăn Artemia bung dù.

Giai đoạn Z4 đến Z5 gồm: Lansypost + F3 với 3 lần/ngày, mỗi lần 1,5gr/10 vạn Zoae, kết hợp artemia mới nở.

Hàng ngày tiến hành xi phông đáy, bổ sung nước mới. Khi thấy có xuất hiện Megalope thì chuyển Cua qua bể có thể tích lớn hơn để san thưa mật độ.

Kỹ thuật ương giai đoạn Megalope đến Cua bột: Nguồn nước đã được xử lý có độ mặn 28 ‰ vào bể composite loại 5 m3, sục khí mạnh.

Hình 3: Bể nuôi Cua Zoea 1 đến Megalope

a ngày đầu cho ấu trùng ăn thức ăn tổng hợp là Lansypost và F3, kết hợp với Artemia sinh khối 15-20 con/lít/ngày. Cuối giai đoạn Megalope 3 ngày, bổ sung thêm thức ăn chế biến và bổ sung thêm vitamin, calcium và cho ăn. Cần tiến hành xi phông đáy định kỳ.

Hình 4: Cua giống có chiều dài mai từ 2-4 cm đạt tiêu chuẩn xuất

Thứ bảy, quá trình thu hoạch và vận chuyển Cua bột

Thu Cua bột: Rút nước trong hồ còn khoảng 20 cm. Vớt hết vỏ sò làm nơi trú ẩn cho Cua bột. Tháo cạn nước đồng thời thu Cua bột qua lưới có kích thước 2mm.

Kỹ thuật vận chuyển Cua bột đến ao ương

* Vận chuyển khô

Ðể một lớp mỏng cát mịn ở đáy dụng cụ vận chuyển như: Xô, can nhựa,… độ dày của lớp cát khoảng 1 – 1,5 cm.

Mật độ vận chuyển khô từ 2 – 3 con/cm2 diện tích đáy của dụng cụ vận chuyển.

Thời gian vận chuyển từ 24 – 30 giờ.

Tỷ lệ sống đạt từ 90 – 99 %.

* Vận chuyển có nước

Ðổ lớp nước dày khoảng 1,5 cm, bỏ một lớp mỏng rong biển phủ kín toàn bộ mặt đáy của dụng cụ vận chuyển, sau đó cho Cua bột vào thùng vận chuyển, mật độ khoảng 3 – 4 con/cm2.

Thời gian vận chuyển từ 2 – 3 giờ.

* Vận chuyển bằng túi bơm ôxy: Mật độ vận chuyển từ 2000 – 5000 con/1 túi, thời gian vận chuyển khoảng 3 giờ, tỷ lệ sống đạt được rất thấp từ 0 % đến 20 % vì thế không áp dụng phương pháp vận chuyển này.

Q.Tường

Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận