Thứ Bảy, 15/06/2024, 12:00

Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm cát trong ao

(Aquaculture.vn) – Hải sâm cát (Holothura scabra) là loài có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, lại rất dễ nuôi. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều quốc gia thành công trong việc nuôi thương phẩm đối tượng này. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm cát trong ao, mang lại hiệu quả cao. 

Hải sâm thương phẩm có giá trị kinh tế cao (Ảnh: Phạm Huệ)

Chuẩn bị ao nuôi thương phẩm

Lựa chọn ao nuôi
– Vị trí ao: ao nuôi hải sâm cát thương phẩm gần nguồn nước biển sạch, có hệ thống cấp thoát nước dễ dàng, xa khu dân cư, không chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải sinh hoạt, nước ngọt từ các cửa sông. Có đường giao thông đi lại thuận tiện cho chăm sóc, quản lý và thu hoạch.
– Diện tích ao: ao nuôi phù hợp từ 3.000 – 10.000 m
2, độ sâu ao tối thiểu 1m.
– Chất đáy: đáy cát bùn (70 – 80% cát, 20 – 30% bùn tính theo khối lượng), hoặc cát pha ít vỏ động vật thân mềm và bùn (70 – 80% cát và vỏ động vật thân mềm, 20 – 30% bùn tính theo khối lượng). Lớp nền đáy xốp, có độ dày tối thiểu 10cm để hải sâm có thể vùi mình. 

Cải tạo ao nuôi và lấy nước

– Tháo cạn nước, nếu không tháo được triệt để thì dùng máy bơm.
– Tu sửa bờ ao, lấp hết hang hốc hạn chế rò rỉ nước, kiểm tra lại cống cấp thoát nước.
– Dọn sạch thực vật thủy sinh dưới đáy ao (rong, cỏ), san phẳng nền đáy. Độ sâu của bùn đáy nhỏ hơn 2cm và lớp nền đáy có độ dày thối thiểu 10cm để hải sâm có thể vùi mình.
– Bón vôi CaCO
3, phơi đáy: Vôi được bón với liều lượng 70 – 100 kg/1.000 m², rải đều khắp ao. Sau khi bón vôi tiến hành phơi đáy 5 – 7 ngày trước khi lấy nước, nhằm tiêu diệt trứng, ấu trùng cá tạp và địch hại như: cua, còng, ghẹ…
– Lấy nước: nước được lấy theo thủy triều ở con nước cao nhất. Trước cửa cống lấy nước phải có lưới chắn rác, cá dữ, địch hại.
– Lấy nước ao nuôi ở mức 0,8 – 1,2m. Độ mặn ao nuôi duy trì ổn định trong khoảng 25 – 35‰, tối đa ở mức 42‰; Nhiệt độ ổn định trong khoảng 25 – 32
oC, tối đa ở mức 37oC.

Ao nuôi hải sâm (Ảnh: Phạm Huệ)

Lựa chọn, vận chuyển và thả giống

Lựa chọn con giống
– Nguồn giống: hải sâm cát giống có nguồn gốc từ sản xuất nhân tạo và chiều dài >2 – 3cm (tương ứng khối lượng >2g/con).
Con giống được chọn phải có kích thước đồng đều, khỏe mạnh, thân không bị co thắt, màu sắc tự nhiên, da không xây xát.

Vận chuyển con giống

Nếu khoảng cách giữa trại giống và điểm thả nuôi xa và thời gian vận chuyển kéo dài hơn 2 giờ thì nên vận chuyển kín bằng túi nylon đóng ôxy. Nhiệt độ nước duy trì khoảng 25oC trong suốt quá trình vận chuyển. Mật độ vận chuyển không quá 2.500 con cỡ 2 – 3cm trong thùng xốp 40cm x 60cm x 40cm và không quá 150 con cỡ 2-3cm trong túi nylon bơm ôxy cỡ 20cm x 30cm.

Nếu thời gian vận chuyển dưới 2 giờ thì nên áp dụng vận chuyển hở bằng thùng xốp, mật độ tương tự như vận chuyển kín. Trước khi vận chuyển phải giữ con giống ở giai lưới hoặc ở bể nước sạch trước một ngày tránh gây sốc và hao hụt hải sâm giống trong khi vận chuyển ra ao nuôi.

Thả giống
– Mùa vụ thả giống: có thể nuôi hải sâm cát quanh năm ở những khu vực có độ mặn ổn định trên 25‰. Tuy nhiên, thời gian thả tốt nhất từ tháng 2 dương lịch trở đi.
– Thả giống vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối là tốt nhất. Nếu con giống được vận chuyển xa, thì cần có thời gian nghỉ trong thùng khoảng 30 phút để hải sâm hồi phục sức khỏe trước khi thả xuống ao. Trước khi thả giống, cần cân bằng nhiệt độ trong thùng xốp và ngoài ao nuôi bằng cách thả các túi chứa hải sâm ở góc ao nuôi, đồng thời kiểm tra các yếu tố môi trường khác như pH trong khoảng 7,5 – 8,5 và độ mặn trong khoảng 25 – 35 ‰ thì tiến hành thả giống. Chia túi hay thùng chứa hải sâm theo từng khu vực ao, dùng tay rải đều hải sâm giống theo hàng để đảm bảo thả giống đều khắp ao để phân bố đều và đủ thức ăn cho hải sâm.
– Mật độ thả: ban đầu thả với mật độ từ 3 – 5 con/m
2, trong quá trình nuôi tiến hành san thưa đảm bảo mật độ còn 2 con/m2 vào cuối vụ nuôi. San thưa bằng cách tháo cạn nước ao, bắt từng con giống chuyển sang ao khác.

Hải sâm giống (Ảnh: Phạm Huệ)

Chăm sóc và quản lý ao nuôi

Cho ăn
– Hải sâm cát sử dụng nguồn thức ăn có nguồn gốc mùn bã hữu cơ, tảo đáy có sẵn trong ao và từ nguồn nước cấp nên quá trình thay nước càng nhiều thì nguồn thức ăn càng phong phú, môi trường càng sạch giúp hải sâm lớn nhanh.
– Ngoài ra có thể bổ sung thêm thức ăn chế biến dạng mịn (hỗn hợp chủ yếu là bột cá, bột rong, bột đậu nành, bột bắp, cám gạo…) có thành phần protein >21,5% hay các loại thức ăn dạng mịn phối trộn, chế biến có hàm lượng protein tương đương. Tỉ lệ phối trộn bột cá và bột rong với tỉ lệ tương đương là thành phần chính (50%), còn lại các thành phần khác chiếm 50%. Cho ăn bổ sung với lượng 2% tổng trọng lượng thân/ngày. Thức ăn được hòa vào nước và tạt đều khắp mặt ao.


Chăm sóc
– Kiểm tra hoạt động của hải sâm: tập tính của hải sâm là vùi mình ban ngày và di chuyển kiếm ăn vào chiều tối. Do đó, hàng ngày lặn kiểm tra hoạt động của hải sâm trong quá trình nuôi, nếu quan sát thấy hoạt động bất thường của hải sâm như ít di chuyển tìm thức ăn vào chiều tối thì phải lấy mẫu hải sâm để kiểm tra tình trạng sức khỏe và xử lý kịp thời.
– Điều chỉnh, duy trì độ mặn ao nuôi trong khoảng ổn định từ 25 – 35‰. Mưa lớn thường làm cho độ mặn biến động lớn và phân tầng. Lúc này cần xả bớt lượng nước ngọt trên tầng mặt, sau đó cho chạy máy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng độ mặn và nhiệt độ. Khi độ mặn tăng cao (>40‰) vào mùa khô, ít mưa thì có thể bổ sung nước ngọt hoặc thay nước thường xuyên hơn để đảm bảo độ mặn trong khoảng phù hợp cho hải sâm nuôi.
– Điều chỉnh, duy trì nhiệt độ ao nuôi ở mức phù hợp từ 25 – 32
oC bằng cách duy trì mức nước trong ao nuôi trong khoảng 0,8 – 1,2m. Lượng nước thay khoảng 50%/tuần/ lần. Tuy nhiên, những ngày nắng to hoặc mực nước trong ao giảm xuống làm cho nhiệt độ trong ao tăng cao (>37ºC) thì tăng cường thay nước ao, đồng thời tăng cường quạt nước để hạ nhiệt độ xuống dưới 37 ºC.
– Điều chỉnh pH: trong quá trình nuôi cần khống chế pH trong khoảng từ 7,5 – 8,5. Giá trị pH thường biến động lớn khi rong tảo trong ao phát triển quá mức. Khi rong đáy trong ao tàn lụi làm cho pH tăng cao vào buổi chiều. Do đó, để hạn chế sự biến động pH trong ao nuôi, phải kìm hãm sự phát triển của rong đáy bằng cách nâng cao mực nước trong ao lên tối đa ở mức 1,2 – 1,4m. – Trong suốt quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra, vớt rong dưới đáy ao và rong nổi trên mặt nước, giữ mực nước trong ao cao và ổn định hạn chế ánh sáng chiếu xuống đáy hạn chế rong phát triển. Ngoài ra, thường xuyên gia cố bờ ao, kiểm tra cống cấp thoát nước, lưới chắn rác, hạn chế rò rỉ, thất thoát nước.

Phòng bệnh
Thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như sau:
– Chọn con giống tốt, khỏe mạnh khi thả giống như yêu cầu phần chọn giống.
– Điều chỉnh mật độ hải sâm trong ao trong khoảng phù hợp theo thời gian, thay nước theo định kỳ.
– Hải sâm là đối tượng nuôi mới và có thể làm sạch môi trường ao nuôi nên ít bị bệnh. Hải sâm bị hao hụt chủ yếu do địch hại và môi trường bất lợi. Tuy nhiên, hải sâm cát thỉnh thoảng bị lở loét, thân bị co thắt do hàm lượng khí độc như NH
3 (>0,45mg/L), H2S (>0,02 mg/L) trong ao cao hơn cho phép và môi trường biến đổi đột ngột do trời mưa gây phân tầng độ mặn và nhiệt độ. Khi đó cần xả nước tầng mặt, thay nước kịp thời và tăng cường ôxy bằng cách đảo nước bằng dàn đập ôxy.

Thu hoạch và bảo quản

– Khi hải sâm cát nuôi đạt kích cỡ khoảng 300g/con, sau thời gian trung bình khoảng 8 tháng nuôi/vụ thì có thể bắt đầu thu hoạch.
– Phương pháp thu hoạch thủ công là tháo hay bơm cạn nước rồi nhặt hoặc dùng trủ lưới kéo thu hoạch. Thời gian thu hoạch tốt nhất là vào chiều tối, vì thời gian này hải sâm cát thường trồi mình lên trên mặt đáy ao nên có thể thu hoạch triệt để. Trong trường hợp cần thiết, có thể thu hoạch tỉa những con lớn đạt yêu cầu trước, con nhỏ hơn chưa đạt yêu cầu có thể giữ lại tiếp tục nuôi lớn
.

– Hải sâm cát thương phẩm được thu giữ trong giai lưới để nhả sạch cát hay bùn trước khi được chế biến.

Ao nuôi hải sâm cát ghép với ốc hương của anh Phan Văn Tiến
Thu hoạch hải sâm cát được nuôi ghép với ốc hương (Ảnh: Phạm Huệ)

Một số chỉ tiêu kỹ thuật

Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm cát trong ao có các chỉ tiêu như sau:
– Kích cỡ thu hoạch: ≥ 300g/ con.
– Tỉ lệ sống từ con giống đến thu hoạch: >85%
– Năng suất: >4 tấn/ha.
– Thời gian nuôi: 8-10 tháng.

Nguồn: Trích báo cáo kết quả dự án:  “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát (Holothuria scabra)” của TS. Nguyễn Đình Quang Duy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủysản III