Thứ Ba, 31/01/2023, 11:38

Phòng và trị một số bệnh trên cua

Cua biển là một trong những loài thủy vật mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho bà con nuôi trồng cua. Ảnh: Con trai miền Tây

Cua- loài vật luôn được xem là loài thủy sản hấp dẫn, vừa có giá trị dinh dưỡng cao lại mang đến hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, mô hình nuôi cua rất phát triển nhưng năng suất đáp ứng nhu cầu của thị trường vẫn còn khá thấp do tỷ lệ mắc bệnh và chết ở mức khá cao.

Bệnh đen mang

Bệnh đen mang trên cua biển do các ký sinh trùng sán lá đơn chủ gây ra (Sán lá đơn chủ trắng nhỏ như sợi tơ, chúng đục thủng mang gây hoại tử mang cua). Bệnh thường xuất hiện nhiều sau khi nước có độ mặn thấp hoặc sau khi mưa lớn. Nấm, vi khuẩn dạng sợi, hay khi nồng độ các khí độc Amoniac và Sulfua hydro cao trong môi trường đầm nuôi.

Khi bị bệnh, mang cua sẽ xuất hiện những đốm đen, các tơ và áo mang chuyển màu đen, sau một thời gian mang sẽ có mùi rất tanh và thối từng phần cho tới toàn bộ mang cua. Phần vỏ ngoài của thân cua bệnh có các đốm đen, sau đó gây mù mắt. Bệnh xuất hiện trên cả giai đoạn cua con và cua trưởng thành. Thêm vào đó, sau khi mắc bệnh cua bỏ ăn, gầy yếu, hô hấp kém nằm im không hoạt động.

Bệnh đen mang khiến cho sức khỏe cua suy yếu, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhiễm, gây chết cua. Ảnh: dinhduong.online

Bà con có thể điều trị bệnh bằng cách tắm cho cua bằng Formol (nồng độ 16 – 30 ml/m3 nước) trong 15 – 20 phút, có sục khí, thời gian điều trị từ 6 – 8 ngày. Tắm cho cua bằng dung dịch Sulfat đồng với nồng độ 0,6 g/m3, tắm trong khoảng 6 – 8 phút/lần, có sục khí. Thời gian chữa trị là từ 6 – 8 ngày. Đồng thời, thực hiện dùng vôi bột để diệt các địch hại như ký sinh trùng, vi khuẩn.

Bệnh đốm trắng – vàng trên vỏ

Dấu hiệu của bệnh này có thể nhận thấy bằng mắt thường, khi mắc bệnh cua gầy yếu, chậm lột xác hoặc lột xác kéo dài, cua bỏ ăn rồi chết. Trên mai và yếm xuất hiện đốm trắng – vàng. Nếu cua có đốm trắng – vàng nhưng biểu hiện vẫn khỏe mạnh vận động và cảm giác bắt mồi nhanh thì đó là dấu hiệu sinh lý trước khi lột xác. Màu sắc này có thể trong nước giàu canxi và magie hay vôi bột bám là bình thường. Các đốm trắng – vàng này sẽ hết sau khi lột xác.

Để điều trị, người nuôi cần trộn thêm kháng sinh như Norfloxacin, Nalidixic acid,… và các vitamin A, C bổ sung vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cua biển.

Phòng và trị bệnh do Vibrio

Một số loài Vibrio anguillarumV. alginolyticusV. parhaemolyticus là nguyên nhân gây bệnh hoại tử trên cua biển. Khi bị bệnh, phần phụ bụng và cơ của cua bị hoại tử, màu sắc có thể bị biến đổi, hình thành các khối u màu trắng bên trong mô cơ thể (đặc biệt là mang), khi mắc bệnh cơ thể yếu và hoạt động chậm chạp, ăn ít hoặc bỏ ăn.

Điều trị bệnh, cần phun trong ao 2 – 3 mg/lít Terramycin hoặc 1 mg/lít Norfloxac với tần suất 1 lần/ngày, tiến hành trong 3 – 5 ngày. Trộn Terramycin vào thức ăn cho cua (với liều lượng 0,1 – 0,2 g/kg trọng lượng cơ thể cua), cho ăn 1 – 2 lần/ngày, trong 7 ngày liên tục.

Khuẩn Vibrio nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến cho chủ trại nuôi tổn thất rất lớn. Ảnh: nanonna.com

Để phòng bệnh, cần đảm bảo cua được chọn đồng đều, khỏe mạnh, màu tươi sáng, tốt nhất nên lấy giống cua sản xuất nhân tạo, ương trong giai đạt kích cỡ 1,5 – 2 cm. Trước khi thả nên sát trùng bằng dung dịch Formalin (20 – 30 ppm) hoặc Sulfat đồng (2 – 4 ppm) trong vong 20 – 30 phút. Trong thời gian từ lúc bắt đầu thả nuôi, có thể dùng thuốc phun vào ao, nồng độ thuốc thấp hơn 7 – 10 ppm so với nồng độ tắm cho cua. Chỉ nên áp dụng với ao nhỏ, mật độ nuôi cao.

Thả nuôi với mật độ thích hợp, nên thả 1 con/m2, trong quá trình chăm sóc cần chú ý tránh làm xây xát cua, đảm bảo chất lượng nước tốt, sát trùng bể ương bằng dung dịch KMnO4 (thuốc tím) với liều lượng 15 – 20 ppm (mg/l), ngâm dụng cụ ương nuôi trong 50 ppm Chlorine trong 1 giờ. Đồng thời, cần khử trùng nước ngọt bằng 10 ppm Chlorine.

Phòng ngừa các mầm bệnh trong thức ăn, nhất là thức ăn tươi sống, có thể khử trùng thức ăn trước khi cho vật nuôi ăn. Thức ăn rửa sach ngâm trong thuốc tím nồng độ 5 – 10 ppm trong 20 – 30 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch rồi cho cua ăn. Cho cua ăn thức ăn được nấu chín là tốt nhất.

Nhất Linh
Tép Bạc