Mỗi năm ngành công nghiệp tôm tổn thất hơn 1 tỷ USD do ảnh hưởng của Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (EMS/AHPND) ở tôm, một bệnh mới xuất hiện bị gây ra chủ yếu bởi vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Ở Việt Nam, dịch bệnh này đã được phát hiện từ năm 2010, nhưng thiệt hại lớn do EMS chỉ được báo cáo kể từ tháng 3 năm 2011 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội chứng chết sớm (Early Mortality Syndrome – EMS) hay hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) được xem là một bệnh nguy hiểm trên tôm đã ảnh hưởng đến nhiều trang trại nuôi tôm trong khu vực Đông Nam Á. Nó được phát hiện ở miền nam Trung Quốc, lần đầu tiên được báo cáo vào năm 2009 và sau đó ở các nước khác như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu phân lập, tuyển chọn, đánh giá khả năng kiểm soát của các chủng vi sinh vật đối với vi khuẩn gây bệnh trên tôm. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về đối kháng đối tượng gây bệnh chết sớm trêm tôm theo cơ chế tạo ra bacteriocin.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Thị Hồng Phấn, Trần Anh Thư (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) đã tiến hành nghiên cứu này nhằm phân lập, tuyển chọn dòng vi khuẩn có khả năng sinh bacteriocin ức chế Vibrio parahaemolyticus, hướng tới sản xuất chế phẩm sinh học phòng và trị bệnh EMS cho tôm, góp phần xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.
Việc phân lập vi khuẩn lactic và Bacillus từ các nguồn mẫu rau cải muối chua, ruột động vật thủy sản và mẫu nước thu từ tự nhiên được đánh giá có khả năng đối kháng với Vibrio parahaemolyticus gây bệnh trên tôm. Khi khảo sát khả năng đối kháng của 47 chủng vi khuẩn lactic và 133 chủng vi khuẩn Bacillus bằng phương pháp pha loãng canh trường và khuếch tán trên đĩa thạch, kết quả phân lập và sàng lọc thu được 11/180 chủng thể hiện hoạt tính kháng khuẩn. Chủng Bacillus sp. BV1 với khả năng đối kháng mạnh nhất (tỷ lệ kháng 85,6%, hoạt tính bacteriocin là 4222,820 AU/mL) được tuyển chọn vào thử nghiệm xác định khả năng đối kháng trên tôm thẻ chân trắng. Tỷ lệ sống sót của tôm ở nghiệm thức bổ sung Bacillus sp. BV1 với mật độ 104 và 106 CFU/mL lần lượt đạt 85% và 90% so với nghiệm thức đối chứng trong 9 ngày thử nghiệm. Chủng BV1 thể hiện tiềm năng có thể phát triển thành chế phẩm sinh học dùng để kiểm soát bệnh EMS/AHPND trên tôm.
Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm